Thời sự
Việt Nam luôn là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư Pháp
Thanh Tùng - 21/04/2024 16:15
Việt Nam và Pháp đang tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet cho rằng, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Pháp, thương mại song phương sẽ ngày càng được cải thiện.
Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua?

Có thể khẳng định, mối quan hệ Pháp - Việt đang ở thời kỳ hoàng kim, với một khung khổ hợp tác mới, được đặt ra tại cuộc hội đàm tháng 10/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Khung khổ này tập trung vào hợp tác bảo vệ chủ quyền quốc gia, giải quyết thách thức toàn cầu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong khung khổ này, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 8 tỷ USD vào năm 2023. Năm ngoái, trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về ngoại thương, thì con số này vẫn khá lạc quan và có thể còn lớn hơn nếu tính đến cả xuất khẩu của Pháp vào Việt Nam thông qua thị trường thứ ba như Singapore và Hồng Kông.

Về đầu tư, Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam, với hơn 700 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD.

Có thể nói rằng, hai nước có chung một nền tảng tốt đẹp trong quan hệ song phương. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư Pháp - Việt.

Ông có thể nói rõ hơn về triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư Pháp - Việt trong thời gian tới?

Vào tháng 5 hoặc tháng 6/2024, sẽ diễn ra đối thoại kinh tế cấp cao tại Paris, do Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đồng chủ trì. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn để hai bên rà soát mọi thành tựu hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; xác định những vướng mắc cần tháo gỡ, cũng như các định hướng hợp tác mới, phù hợp với khuôn khổ hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.

Hơn nữa, trong năm 2025, dự kiến Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, tạo nên một cột mốc mới trong quan hệ song phương, không chỉ tập trung vào thương mại và đầu tư, mà còn trong chính trị và các lĩnh vực khác.

Tôi không thể đưa ra bất kỳ dự báo cụ thể nào về việc thương mại và đầu tư tăng trưởng ra sao, nhưng tôi tin rằng, mức tăng sẽ lớn hơn, vì Việt Nam đang cần nhiều hơn các sản phẩm của Pháp, như máy bay trong lĩnh vực giao thông - vận tải.

Ngoài ra, chúng tôi hy vọng rằng, những dự án mang tính biểu tượng của Pháp tại Việt Nam sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Chẳng hạn, vào tháng 7/2024, tuyến tàu điện ngầm thứ ba ở Hà Nội, do các kỹ sư Pháp thực hiện và được Chính phủ Pháp tài trợ sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại, gần như toàn bộ công việc đã hoàn thành, còn lại một tỷ lệ nhỏ liên quan đến chứng nhận an toàn đang được giải quyết và phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Một ví dụ khác, vào mùa thu năm nay, dự án sản xuất sản phẩm điện tử của Công ty Sagemcom (Pháp) đầu tư tại TP. Hải Phòng sẽ hoàn thành. Sagemcom coi Việt Nam là cơ sở sản xuất toàn cầu của mình. Năm ngoái, dự án sản xuất hàng điện tử của Công ty TNHH Synergy CAD Việt Nam, có 100% vốn của Pháp, đầu tư tại tỉnh Bắc Giang cũng được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 do Pháp đầu tư chạy bằng khí tự nhiên dự kiến hoàn thành vào năm 2030, góp phần vào nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Thưa ông, động lực chính thúc đẩy đầu tư của Pháp vào Việt Nam là gì? Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có tầm quan trọng như thế nào đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế?

Không chỉ các công ty của Pháp, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng có chung nhận định rằng, thị trường Việt Nam khá hấp dẫn đối với họ. Việt Nam là nền kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, chính trị ổn định và nguồn lao động dồi dào.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Pháp đang áp dụng chính sách đa dạng hóa thị trường đầu tư để tránh rủi ro vào một thị trường duy nhất mà họ từng phụ thuộc gây ra. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp Pháp đã gặp khó khăn ở một thị trường lớn cạnh Việt Nam, nên họ đã quyết định đa dạng hóa thị trường đầu tư ra nước ngoài.

EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Pháp và Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Pháp và rộng hơn là thị trường châu Âu, điển hình như Công ty Decathlon Việt Nam, sản xuất các sản phẩm liên quan đến thể thao, họ đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan theo cam kết EVFTA.

Những thách thức nào cần được loại bỏ để củng cố hơn nữa các mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, thưa ông?

Việt Nam và Pháp đã tổ chức nhiều diễn đàn, đối thoại giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần có những cải tiến hơn nữa. Các nhà đầu tư mong muốn môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, rõ ràng hơn, để dự án của họ có thể vận hành suôn sẻ.

Ngoài ra, nhà đầu tư Pháp cũng mong chờ những cải thiện khác về chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạ tầng hướng tới năng lượng và giao thông - vận tải. Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực lớn trong việc giải quyết những trở ngại này.

Tin liên quan
Tin khác