Việt Nam đã thành lập nhóm tư vấn trong nước (DAG) theo quy định của Chương Thương mại và Phát triển Bền vững trong Hiệp định EVFTA. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT thành lập Nhóm tư vấn trong nước (Domestic Advisory Group - DAG) Việt Nam theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhóm DAG Việt Nam hoạt động như một diễn đàn, không có tư cách pháp nhân, không có con dấu và tài khoản riêng, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động của mình.
Chức năng và nhiệm vụ của Nhóm DAG Việt Nam là tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định.
Các quan điểm và khuyến nghị này sẽ được đưa lên Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA.
Thành viên Nhóm DAG Việt Nam là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, đại diện cho các lợi ích chính đáng tại Việt Nam liên quan đến thương mại và phát triển bền vững.
Nhóm DAG Việt Nam gồm 03 phân nhóm là kinh tế, xã hội và môi trường. Thành phần của các phân nhóm được phân bổ cân bằng nhau.
Danh sách thành viên Nhóm DAG Việt Nam theo Quyết định này, bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện giới sử dụng lao động); Viện Công nhân và Công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD). Danh sách nói trên có thể được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đang tiếp tục triển khai các công việc cần thiết sau khi thành lập Nhóm DAG Việt Nam để bảo đảm Nhóm DAG Việt Nam được vận hành một cách hiệu quả và phù hợp với quy định của EVFTA.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định đã bước sang năm thứ 2 thực thi.
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.