Chuyển đổi số - Kinh tế số
Việt Nam trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Bích Thủy - 28/10/2023 09:46
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về định hướng chuyển đổi số xanh tại Việt Nam cùng những chính sách thúc đẩy trong thời gian tới.

Ông Trần Minh Tuấn

Trên thế giới, “chuyển đổi kép” - chuyển đổi số để chuyển đổi xanh là khái niệm được Liên minh châu Âu (EU) đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Xin ông cho biết định hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong thời gian tới?

Thuật ngữ “chuyển đổi kép” do Liên minh châu Âu đưa ra, đề cập hai xu hướng chính định hình tương lai là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được các mục tiêu trung lập và bền vững về khí hậu. Quá trình này không tự xảy ra, mà cần có sự thúc đẩy, giám sát trên phương diện chính trị và xã hội. Quá trình chuyển đổi số là một quá trình thay đổi liên tục nhờ vào công nghệ số. Xét về bản chất, hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ, mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau. Thuật ngữ này cũng đề cập đến việc hợp nhất hai quá trình chuyển đổi, có thể đẩy nhanh những thay đổi cần thiết và đưa xã hội đến gần hơn tới Mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra.

Tại Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Nhưng muốn xanh thì phải số. Bởi vậy, số hoá toàn diện sẽ là nền tảng của một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao. Chuyển đổi số tạo ra kinh tế số và kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính.

Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng gặp phải thách thức là hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu; rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Do đó, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số xanh, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi số đang được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực và mang lại lợi ích to lớn. Ảnh: Đức Thanh

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy những động lực phát triển mới, không gian phát triển mới nào cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết net-zero, cũng như tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Theo đó, chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp chính là công nghiệp hóa. Chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực khác chính là hiện đại hóa.

Chuyển đổi số xanh tạo ra những động lực phát triển mới, những không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, chuyển đổi số thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây chính là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thứ hai, chuyển đổi số mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo). Sự hợp nhất phát triển của hai không gian này tạo ra một hệ thống kinh tế mới dựa trên năng suất công nghệ số, quan hệ sản xuất công nghệ số, tài nguyên dữ liệu, ứng dụng công nghệ số và quản trị số…, vừa tạo ra không gian mới cho các doanh nghiệp phát triển, vừa là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng số.

Thứ ba, chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới không tiêu hao là dữ liệu. Cần lưu ý rằng, trước kia, các nguồn tài nguyên thường mất đi sau khi sử dụng, nay chuyển đổi số sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Lần đầu tiên, tài nguyên không mất đi, mà được sinh ra, các nguồn lực trước đây được sử dụng tối ưu hóa.

Thứ tư, chuyển đổi số xanh sẽ tạo đột phá cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Số hóa, tự động hóa các quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên - nhiên liệu, năng lượng và thải carbon thấp chính là công nghiệp hóa số xanh.

Thứ năm, áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu net-zero, bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 3 xu hướng chính, gồm phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa. Chuyển đổi số xanh chính là chìa khóa để doanh nghiệp thực hiện cam kết về môi trường của Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy chuyển đổi số xanh chính là động lực then chốt để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, cũng như tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Để chuyển đổi số xanh thành công, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng những yếu tố và nguồn lực nào, thưa Vụ trưởng? Ngành thông tin và truyền thông sẽ có những chính sách và đề xuất gì để khuyến khích các bên tham gia?

Để chuyển đổi số xanh thành công, Việt Nam phải đi theo con đường và cách tiếp cận riêng nhằm tận dụng lợi thế của Việt Nam.

Một là, dựa trên văn hoá, lịch sử Việt Nam (sự nhanh nhạy với cái mới, có khát vọng hùng cường, thịnh vượng).

Hai là, dựa trên tính đa dạng của Việt Nam (chính sách phải có điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với các địa phương).

Ba là, dựa trên đặc điểm Việt Nam (thể chế Đảng lãnh đạo, nên có thể huy động được tổng lực, cả hệ thống chính trị, toàn dân vào những việc lớn, vĩ đại như công nghiệp hóa - hiện đại hóa) và dựa trên các bài toán lớn của Việt Nam để tìm con đường chuyển đổi số xanh cho phù hợp (như dân số đông, chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị, áp lực về cạn kiệt tài nguyên rất lớn, ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu…).

Để Việt Nam chuyển đổi số xanh và công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công đến năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu là 7% liên tục trong giai đoạn. Vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế số đến năm 2045 phải 20 - 25%/năm hoặc 25 - 30%, tức là gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam liên tục ở mức 20 - 25%/năm.

Về thể chế, cần phá vỡ các quy tắc và quy định cũ, cần sự tích hợp chéo của nhiều ngành khác nhau, đồng thời cần liên tục đưa ra hệ thống lý luận mới, tầm nhìn mới về chuyển đổi số, kinh tế số và thiết kế cấp chiến lược - cấp cao nhất có tính thực tế và khả thi để chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Về phát triển kinh tế số, kinh tế số ngành, lĩnh vực với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực. Mỗi ngành, lĩnh vực có một số nền tảng số dùng chung. Mục tiêu tỷ trọng kinh tế số ngành/kinh tế số lõi công nghệ thông tin và truyền thông là 70/30 vào năm 2030 (Hiện nay, tỷ trọng kinh tế số ngành/kinh tế số lõi công nghệ thông tin và truyền thông là 30/70).

Về chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền tảng số dùng chung là lời giải. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra trên 30 nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp theo Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số smedx.vn. Hiện nay, tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng nền tảng số Việt Nam là khoảng 30,8% trên tổng số trên 850.000 doanh nghiệp trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2025 có 50%, năm 2030 có 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số.

Với doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tự chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn và dẫn dắt hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp ở Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước khi chuyển đổi số thành công sẽ hình thành hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quản trị số, bao gồm chính phủ số, đô thị thông minh và quản trị kinh tế số, giúp nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động bên ngoài. Dữ liệu số sẽ giúp việc theo dõi giám sát, cảnh báo sớm và dự báo những tác động đến kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời.

Để Việt Nam chuyển đổi số xanh và công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công đến năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu là 7% liên tục trong giai đoạn. Vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế số đến năm 2045 phải 20 - 25%/năm hoặc 25 - 30%, tức là gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Tin liên quan
Tin khác