Cụ thể, nếu như 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát tại Việt Nam cho rằng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 48,7%, Malaysia 54,0% và Thái Lan là 52.2%.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, kết quả Việt Nam đứng đầu về chỉ số này.
Kết quả khảo sát của JETRO |
Đánh giá về kết quả trên, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho rằng, ngay cả đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% doanh nghiệp có phương châm mở rộng sản xuất, đây là tỷ lệ tương đối cao, thể hiện tín hiệu rất tích cực.
"Điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng, các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng và khả năng trưởng của đất nước các bạn", ông Hironobu Kitagawa nói.
Bên cạnh đó, trưởng đại diện JETRO cũng nhìn nhận, Việt Nam vẫn đang giữ được những lợi thế về môi trường đầu tư như quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng hay một lợi thế rất truyền thông là chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, cũng còn đó những rủi ro về môi trường đầu tư mà ông Hironobu Kitagawa mong muốn Việt Nam sẽ cải thiện trong thời gian tới.
"Về rủi ro môi trường đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải, trong số 5 hạng mục đứng đầu thì có 4 hạng mục đã được cải thiện. Tuy nhiên, hạng mục Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng lại tăng điểm. Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đạt 36,3% đạt mức tăng cao nhất trong số các quốc gia là đối tượng khảo sát. Tỷ lệ này tăng đều trong những năm gần đây nhưng nếu so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia thì vẫn ở mức thấp, điều này đang làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp", ông Hironobu Kitagawa nhận định.
Tham dự buổi họp báo công bố Kết quả Khảo sát, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng đánh giá cao cách tiếp cận, khoa học, khách quan của JETRO trong việc thực hiện khảo sát này. Nghiên cứu của JETRO cũng chỉ ra lợi thế môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và lợi thế này phù hợp với nghiên cứu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi so sánh môi trường đầu tư của Việt Nam với Trung Quốc hay Thái Lan.
"Trong nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Nhật quan tâm đến Việt Nam dựa trên lợi thế giá nhân công, mức độ ủng hộ từ chính quyền cũng như của người dân, quy mô kinh tế liên tục gia tăng. Đặc biệt, việc Việt Nam trở thành đối tác trong nhiều Hiệp định thương mại tự do cũng là một kênh để các doanh nghiệp Nhật có thể qua đó tiếp cận các thị trường mới", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.
Bình luận về kết quả khảo sát, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, với gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ cao nhất trong các nước được khảo sát đã phản ánh rõ môi trường kinh doanh ổn định của, cũng như tính hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật.
Bên cạnh đó, chỉ số nội địa hoá có xu hướng tăng trong những năm qua đã thể hiện rõ các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam bước đầu có hiệu quả đối với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp Nhật làm ăn có lãi tăng lên ở mức 65,3% trong bối cảnh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung báo lỗ là 52% cũng là một điều rất đáng quý.
Về rủi ro trong môi trường đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng bày tỏ đồng tình với khảo sát của JETRO, đặc biệt yếu tố pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, vì điều này thể hiện rõ trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, về doanh nghiệp thời gian qua.
"Hướng tới 2019, Chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc Hội sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý để doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh. Một số phản ánh khác chúng tôi cũng đã nắm bắt được và sẽ có giải pháp để xử lý triệt để trong thời gian tới đây", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.