Dòng tiền của Vietnam Airlines hiện nay đã được cải thiện đáng kể, thậm chí là tích cực. |
So với Báo cáo tài chính hợp nhất tự lập được phát hành vào tháng 8/2023, doanh thu và khoản lỗ của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm 2023 không có nhiều thay đổi.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines đạt 43.977 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 46,9% so với 6 tháng đầu năm 2023; lỗ sau thuế hợp nhất chỉ còn 1.386 tỷ đồng, giảm tới 73,5% so với 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023 và lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất 6 tháng 2023 chỉ đạt trên 6,8% doanh thu thuần.
Đối với Công ty mẹ, doanh thu và thu nhập khác 6 tháng đầu năm 2023 cũng tăng tới 58,3% so với 6 tháng đầu năm 2022 (tăng hơn 12.308 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 60,2 %, tương đương tăng hơn 12.402,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 12,5%, doanh thu quốc tế tăng 313,2%) so với cùng kỳ do thị trường đã từng bước phục hồi.
Tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty mẹ tăng 34,3% tương đương tăng 8.832 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu do chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính (chi chênh lệch tỷ giá) tăng. Tốc độ tổng doanh thu và thu nhập khác của 6 tháng đầu năm 2023 tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm lỗ được hơn 3.478,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
“Lỗ sau thuế Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2023 sau soát xét giảm 10,76% (giảm lỗ 142 tỷ đồng), do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ sau khi cập nhật sản lượng thực tế, cân nhắc đến xu hướng tăng trưởng cuối năm để dự tính quỹ lương 6 tháng 2023 phù hợp với quỹ lương cả năm 2023. Ngoài ra, số liệu Công ty mẹ thay đổi do cập nhật dự tính chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí phục vụ chuyến bay và doanh thu dịch vụ theo hóa đơn thực nhận”, đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023, KPMG cho biết, tại ngày 30/6/2023, nợ ngắn hạn của Tổng công ty và các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 42.812 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn của Tổng công ty và các công ty con là 14.783 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm (-) 12.512 tỷ đồng.
Trong kỳ 6 tháng kết thúc cùng ngày, Tổng công ty và các công ty con có kết quả kinh doanh lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 1.386 tỷ đồng.
Vì vậy, KPMG đánh giá khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau Covid-19; việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê và nhất là khả năng thành công của Đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của cổ đông Nhà nước.
Đối với vấn đề này, Vietnam Airlines cho biết là đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vietnam Airlines kỳ vọng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp theo Đề án này sẽ giúp bổ sung dòng tiền, thu nhập, phục hồi năng lực tài chính của Vietnam Airlines, đưa Vietnam Airlines về trạng thái tài chính lành mạnh, các chỉ số tài chính được cải thiện đủ điều kiện để duy trì niêm yết cổ phiếu trên HOSE (kinh doanh có lãi, không bị âm vốn chủ sở hữu).
Nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không và nỗ lực tự thân, dự kiến từ năm 2024 trở đi Vietnam Airlines có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.
Một điểm rất tích cực là dòng tiền của Vietnam Airlines hiện nay đã được cải thiện đáng kể, thậm chí là tích cực. Trong năm 2023, Tông công ty đã bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả những khoản nợ đến hạn trả và hoãn được một số khoản nợ đến hạn khác.
Tuy nhiên, để xóa lỗ lũy kế, Vietnam Airlines có thể mất rất nhiều năm, trong đó quan trọng nhất là hãng cần được cấp có thẩm quyền sớm thông qua Đề án tái cơ cấu gồm tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu các công ty con và tái cơ cấu nguồn vốn.
Trong đó, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ với vai trò là chủ sở hữu, trong đó trọng tâm là gói giải pháp bổ sung dòng tiền, nguồn vốn kinh doanh.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, cấp bách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho Vietnam Airlines để thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên, các giải pháp trung hạn về kiểm soát quản lý vĩ mô ngành hàng không để tạo nền tảng vững chắc cho Vietnam Airlines phát huy vai trò sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia và phát triển bền vững trong dài hạn.