Thời sự
Vietstar Air chưa thể cất cánh vì phải đợi hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thiện
Anh Minh - 11/04/2017 07:35
Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar – Vietstar Air khó có thể sở hữu Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong 2-3 năm tới.
Hạ tầng chật chội, quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất là lý do ngăn cản Vietstar Air sớm sở hữu giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Thủ tướng Chính phủ vừa cho ý kiến về việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Vietstar Air.

Theo đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được biết, phương án điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang được Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện. Ngay cả khi phương án điều chỉnh được phê duyệt trong quý II/2017 thì cũng phải mất từ 2 -3 năm nữa để  hoàn thành xây dựng Nhà ga hành khách lưỡng dụng T3 và T4 cũng như nâng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất lên con số 85.

Công ty TNHH MTV Vietstar (Vietstar) là doanh nghiệp mới được thành lập vào cuối tháng 6/2016 (giấy chứng nhận đăng ký số 0313877053 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp), có trụ sở tại 286 - Hoàng Hoa Thám, P12, Q. Tân Bình, TP.HCM với số vốn là 300 tỷ đồng.

Kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách.

Cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cũng cho biết, Vietstar có thị trường mục tiêu là trục nội địa Bắc Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á trên vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Công ty Vietstar Air xây dựng phương án đảm bảo có tàu bay khai thác đáp ứng các yêu cầu của Nghị định số 92.  Giai đoạn năm 2017, Công ty Vietstar Air sẽ thuê 5 tàu bay A320/321 hoặc tàu bay B737 đưa vào khai thác ngay sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và đệ trình Cục Hàng không Việt Nam Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) đối với tàu bay A320/321 và B737. Đội tàu bay của Công ty Vietstar Air sẽ được đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 5 tàu bay. 

Giai đoạn từ 2018-2021, Công ty Vietstar Air có kế hoạch thuê khô tàu bay với các đối tác như Gecas, ILFC và AWAS ngay sau khi được cấp AOC. Trong giai đoạn này, Công ty Vietstar Air sẽ khai thác 10 tàu bay chở khách chủng loại A320/321 hoặc B737 với 5 tàu bay đậu qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và 5 tàu bay đậu qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng, chủng loại và tuổi tàu bay dự kiến khai thác phù hợp với quy mô, phạm vi khai thác (vốn 300 tỷ đồng, quy mô đến 10 tàu bay và khai thác nội địa), loại hình hoạt động vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa, hành lý, bưu kiện và nhu cầu thị trường. Các công tác chuẩn bị và hồ sơ thể hiện Phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và nguồn vốn đảm bảo thuê tàu bay trong vòng 5 năm đầu hoạt động của Công ty Vietstar Air có tính khả thi.

Đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cho thấy trên cơ sở  thực tiễn khai thác và các kế hoạch phát triển hạ tầng cảng hàng không, sân bay Việt Nam nói chung và hai Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nói riêng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 5767/TTr-BGTVT ngày 25/5/2016), việc bố trí tàu bay đỗ qua đêm tại hai Cảng hàng không quốc tế của Công ty Vietstar Air cho giai đoạn 2018-2021 là phù hợp.

Tin liên quan
Tin khác