Theo Viettel, trong lần thuyết trình trước Chính phủ Myanmar vào cuối tháng 3/2016, liên doanh Viettel tại Myanmar cho biết sẽ dự kiến cùng đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp toàn đất nước Myanmar, phủ tới gần 95% dân số trong vòng ba năm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển nhanh về dữ liệu data và công nghệ thông tin tại Myanmar, Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G tần số 900Mhz và 2100 Mhz. Viettel cũng sẽ nhanh chóng cung cấp dịch vụ 4G trên dải tần 1800Mhz nếu được Chính phủ Myanmar cấp phép bổ sung vào cuối năm nay.
Viettel đang đầu tư ở nhiều nước châu Á. |
Theo công bố của Chính phủ Myanmar trong thư chào thầu, hiện tại tỷ lệ sử dụng smartphone tại đất nước này đã đạt trên 60%. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt, tăng trưởng GDP trên 8% hàng năm, Myanmar sẽ có tốc độ phát triển về data tương ứng, đặc biệt có tới 80% người dân lựa chọn máy điện thoại thông minh smartphone khi mua máy.
Chính phủ Myanmar quy hoạch tất cả 4 giấy phép viễn thông, trong đó 2 giấy phép dành cho công ty tư nhân nước ngoài và 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước. Theo thông báo chính thức từ Chính phủ Myanmar, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã được lựa chọn để tham gia liên doanh cho giấy phép viễn thông thứ 4, và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar, nằm trong số 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước.
Hai đơn vị được chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel, sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty trung gian địa phương (SPV) là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited. Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar.
Với quan điểm đầu tư bền vững và hiệu quả đã được duy trì xuyên suốt từ trước tới nay, Viettel sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục đàm phán liên doanh cũng như chuẩn bị các phương án tài chính kĩ thuật và kinh doanh cần thiết cho dự án. Nếu được cấp phép thành công, Viettel sẽ lan tỏa kinh nghiệm đầu tư viễn thông của mình trên 10 quốc gia trên thế giới tới Myanmar.
“Viettel đã có kinh nghiệm trong việc tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, biết cách đưa dịch vụ đến mọi người dân. Chiến lược đầu tư dài hạn của Viettel thông qua vùng phủ rộng toàn quốc, chất lượng mạng lưới vượt trội và cách kinh doanh phù hợp với từng địa phương, Viettel đã nhận được sự ủng hộ, chào đón của rất nhiều chính phủ, nhà đầu tư viễn thông trên thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ thành công trong việc đàm phán thành lập liên doanh viễn thông tại Myanmar lần này”, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, phụ trách hoạt động đầu tư quốc tế cho biết.
Kinh nghiệm thúc đẩy viễn thông phát triển vượt bậc của Viettel với chiến lược phổ cập viễn thông cho mọi người đã được kiểm chứng qua vị trí nhà mạng dẫn đầu tại các thị trường mới nổi như Campuchia (Metfone), Lào (Unitel), Đông Timor (Telemor), Mozambique (Movitel), và Burundi (Lumitel).
Vừa qua, các thương hiệu của Viettel tại ASEAN cũng đã được đánh giá các thương hiệu viễn thông dẫn đầu theo danh sách của Brand Finance, công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới. Trong đó Unitel tại Lào là thương hiệu hoạt động hiệu quả nhất khu vực ASEAN, với giá trị tăng 106% so với năm trước đó. Metfone tại Campuchia cũng được đánh giá là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Campuchia.