Viễn thông - Công nghệ
Viettel Post lãi sau thuế hơn 214 tỷ đồng
Hồng Phúc - 04/08/2021 13:38
Hãng chuyển phát đứng thứ 2 tại Việt Nam (Viettel Post) báo lãi hơn 214 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay; riêng quý II đạt xấp xỉ 106 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 và lũy kế nửa đầu năm nay.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của doanh nghiệp này đạt hơn 5.190 tỷ đồng và lợi nhuận gộp trên 185 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân của việc biến động lợi nhuận sau thuế nêu trên là do công ty đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp tăng doanh thu và tối ưu hóa chi phí, tăng lãi sau thuế so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 7% so với cùng năm ngoái, chỉ đạt 22,7 tỷ đồng. 

Ngoài ra, chi phí bán hàng của Viettel Post trong quý II là hơn 5 tỷ đồng và kéo luỹ kế khoản chi này trong nửa đầu năm lên 19,2 tỷ đồng, tăng trên 13 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2020. 

Năm nay, Viettel Post được kỳ vọng mang về tổng doanh thu hơn 21.420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 470 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 49%  kế hoạch doanh thu và xấp xỉ 46% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Tính đến 30/6/2021, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chuyển phát này có 5.030 tỷ đồng tài sản, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm xấp xỉ 88%. 

Ngoài ra, Viettel Post ghi nhận khoản nợ phải trả tính đến cuối kỳ là hơn 3.770 tỷ đồng (tăng 591 tỷ đồng so với đầu năm); trong đó, nợ ngắn hạn là 3.763 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp này có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 188 tỷ đồng; gần 260 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn và 4.4 tỷ đồng tiền mặt.

Bảng: Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của Viettel Post so với cùng kỳ năm ngoái qua một số chỉ tiêu (Đvt: tỷ đồng).

Chỉ tiêu/Thời điểm

 6 tháng năm 2021

6 tháng năm 2020

Doanh thu thuần

 10.350

 6.798

Lợi nhuận gộp

 377,9

 354,8

Lợi nhuận trước thuế

 268,4

 250,3

Lợi nhuận sau thuế

 214,4

 199,9

Viettel Post có 97 chi nhánh trên cả nước và 5 công ty trực thuộc bao gồm Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel, Công ty TNHH MTV Công nghệ Bưu chính Viettel, Công ty TNHH MTV Logistics Viettel, Công ty TNHH Mygo Campuchia và Công ty TNHH Mygo Myanmar.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức hồi cuối tháng 4, cổ đông lên tiếng về việc nhiều lần không được hồi đáp trên nền tảng chuyển phát của Viettel Post. Thêm vào đó, một số tính năng trên nền tảng ứng dụng này chưa được tối ưu, không được chuyển tiếp đơn hàng,…

Ban lãnh đạo công ty này khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của cổ đông và đưa vào chương trình hình động trong các tháng cuối nửa đầu năm nay. 

Về sự cạnh tranh của hàng loạt đơn vị trên thị trường, đại diện Viettel Post cho rằng, các đối thủ đã tạo nhiều chính sách cạnh tranh không lành mạnh như gói cước 13.000 đồng/gói hàng đi toàn quốc. 

Ngoài ra, còn có công ty chuẩn bị IPO, cần nâng cao hình ảnh của công ty nên họ đẩy mạnh phát triển mạng lưới Bưu cục trong thời gian ngắn ngang với Viettel Post và sẵn sàng bỏ tiền để duy trì mạng lưới.

Viettel được cung cấp “bộ tài liệu quý giá về việc công ty mẹ của đối thủ tại Trung Quốc và Indonesia đã bị cơ quan nước sở tại yêu cầu dừng hoạt động tại một số tỉnh do đưa ra giá quá thấp để phá vỡ thị trường”. 

Nhân viên giao hàng của Viettel Post. (Ảnh minh hoạ).

Viettel Post cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách phá giá của đối thủ và cho biết, thị phần chuyển phát của Viettel Post đứng thứ 2 tại Việt Nam với tỷ giao đơn hàng giao thành công là 88,3% (được kỳ vọng đạt 90% trong năm nay).

Chia sẻ về mức “biên lợi nhuận của hãng Giao hàng tiết kiệm đang rất tốt” từ cổ đông, ban lãnh đạo Viettel Post cho rằng, “chỉ các doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường mới đốt tiền. Giao hàng tiết kiệm đã hoạt động 7 năm, có chung cổ đông chiến lược với sàn Shopee và theo thông tin báo cáo, Shopee đang lỗ”.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông Quân đội Việt Nam sở hữu 60,81% vốn Viettel Post.

Vào giữa tháng 5/2021, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đăng tải thông tin về việc có 3/5 thương hiệu lớn nhất thị trường chuyển phát Việt Nam (gồm Viettel Post, VNPost, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng Nhanh - Ahamove và J&T) đã lọt vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ như Giao hàng tiết kiệm có tỷ lệ sở hữu lớn của 2 “đại gia” là SEA và Kerry Logistics - SF Holding.

Cuộc M&A này nhanh chóng trở nên hiệu quả ngay năm 2020, sản lượng của Shopee Việt Nam (sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của SEA) được yêu cầu hỗ trợ tối đa cho GHTK và sản lượng của GHTK phần lớn đến từ Shopee. 

Quay lại với Viettel Post, doanh thu logistics trong năm nay chiếm khoảng 17% trong tổng doanh thu và doanh nghiệp này đặt mục tiêu tỷ trọng vừa nêu vào năm 2025 là hơn 50%. 

Cổ phiếu VTP đang niêm yết tại UPCoM và Tổng công ty này cho rằng, HoSE là sàn giao dịch chứng khoán uy tín số 1 Việt Nam, việc chuyển sàn sẽ phù hợp với kế hoạch mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế của Viettel Post.

Tin liên quan
Tin khác