Việc Bộ Tài chính giảm thuế suất thuế xuất khẩu than sẽ tác động thế nào đến hoạt động của Vinacomin, thưa ông?
Việc thuế suất thuế xuất khẩu than tăng thêm 3% làm những khoản thu khác mất cả ngàn tỷ đồng, bởi chả có ai mua than nữa và không có hàng xuất khẩu.
Chúng tôi không coi nặng thuế xuất khẩu này, mà lo làm sao trong 2-3 năm nữa có thêm than phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu giá than trong nước tăng lên theo cơ chế thị trường, thì Vinacomin không cần xuất khẩu nữa. Khi đó, Vinacomin không phải lo chạy theo sản lượng như đang làm nữa.
| ||
Ông Trần Xuân Hoà, Chủ tịch HĐTV Vinacomin |
Với vị trí độc quyền của Vinacomin như hiện nay, e rằng, việc đưa ra giá thị trường chỉ mang lại lợi thế cho Vinacomin?
Tập đoàn đã quán triệt cho các đơn vị rằng, giá thành sản xuất của doanh nghiệp đã chạm giới hạn.
Nếu nâng lên, thì các hộ tiêu thụ sẽ quay lưng với than nội để dùng than nhập khẩu.
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị các nguồn lực, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, để Tập đoàn có thể tiếp tục phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh.
Nếu than trong nước cũng theo giá thị trường thì người tiêu dùng sẽ tự cân đối và ngành than làm gì còn độc quyền được. Hiện có nhiều đơn vị tư nhân đã nhập than để trộn với than nội và dần thay đổi công nghệ. Mỗi năm đã có khoảng 1 triệu tấn than được nhập khẩu, chủ yếu từ Indonesia.
Vinacomin cũng được giao nhiệm vụ làm đầu mối nhập khẩu than khối lượng lớn cho các dự án điện. Vậy việc triển khai nhập khẩu đến đâu rồi, thưa ông?
Vinacomin mới ký ghi nhớ với các đối tác, nhưng vấn đề là bán cho ai thì vẫn đang chờ xem các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng ra sao.
Khi ký hợp đồng mua than nước ngoài, Vinacomin sẽ phải bỏ tiền để bảo lãnh với đối tác để có hợp đồng dài hạn, nhưng chưa có khách hàng mua thì chưa dám thực hiện.
Để có năng lực khai thác than, Vinacomin cũng dự kiến phát hành trái phiếu trong năm 2013. Kế hoạch này được triển khai ra sao?
Vinacomin có kế hoạch phát hành trái phiếu trong nước vì các ngân hàng trong nước hiện huy động vốn nhiều và đang tìm kiếm những lĩnh vực cho vay hiệu quả. Tính thanh khoản của Vinacomin với các ngân hàng trong và ngoài nước rất tốt và các ngân hàng trong nước cũng bày tỏ ý định hỗ trợ Vinacomin phát hành trái phiếu.
Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chứ không phải chỉ 3.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.
Hiện kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Vinacomin đã được triển khai đến đâu?
Với Vinacomin, thoái vốn không phải là vấn đề lớn, do quy mô đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn thấp. Tập đoàn không gặp khó khăn khi thoái phần vốn 1.000 tỷ đồng tại Công ty TNHH một thành viên Tài chính than - khoáng sản Việt Nam (đang làm nhiệm vụ lo vốn để cho vay lại với các doanh nghiệp trong ngành). Một số ngân hàng muốn mua lại công ty này và Vinaconmin đang báo cáo Chính phủ.
Trong khoảng 600 tỷ đồng còn lại đầu tư ngoài ngành, Vinacomin cũng đã giải quyết được 200 tỷ đồng. Phần 400 tỷ đồng còn lại tại Ngân hàng SHB, Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV..., nếu bán bây giờ, thì giá bán thấp hơn mệnh giá.
Trong khi đó, Tập đoàn cũng phải thực hiện bảo toàn vốn như các tập đoàn khác, nên đang xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Quá trình tái cơ cấu thường làm nảy sinh vấn đề dôi dư lao động. Tại Vinacomin, câu chuyện này đang ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động ra sao, thưa ông?
Nếu có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước đào tạo và bố trí lại lao động dôi dư và tiến hành xã hội hoá, thì lao động trong ngành than không cần tới 110.000 người như hiện nay, mà chỉ cần 60.000 - 70.000 người. Vinacomin cũng đã báo cáo về điều này tới các cơ quan chức năng và địa phương để tìm hướng xử lý phù hợp.
Thanh Hương