Doanh nghiệp
Vinamilk đưa sản phẩm Việt vào “bản đồ sữa” thế giới
Thế Hải - 19/08/2016 21:40
Xuất thân từ gian khó, nhưng sau 40 năm thành lập, Vinamilk đã gặt hái được thành quả phi thường, khi xây dựng nên một thương hiệu vững mạnh, với doanh thu năm 2015 đạt 40.223 tỷ đồng. Vinamilk còn là doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với hơn 9 tỷ USD.

Trưởng thành từ gian khó

Được thành lập năm 1976, sau khi tiếp quản 3 nhà máy: Thống Nhất, Trường Thọ, Dielac, Vinamilk đã đi qua hành trình 40 năm, với những thăng trầm từ nền kinh tế bao cấp cho tới kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập như ngày nay, vẽ nên bản đồ sữa made in Vietnam, với doanh thu gần 40.300 tỷ đồng cuối năm 2015, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng - con số mà không nhiều doanh nghiệp làm được.

Nói về giai đoạn đầu mới thành lập, Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, Vinamilk gặp không ít khó khăn do thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, trong khi không có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, nên doanh nghiệp hoàn toàn thụ động trong sản xuất.

Nhà máy Angkor Milk (Campuchia), được Vinamilk khánh thành tháng 5/2016, có công suất 38 triệu lít sữa nước và 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, để giải quyết khó khăn, lãnh đạo Vinamilk đã chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có ngoại tệ mạnh, đặc biệt là Seaprodex, đồng thời, Vinamilk cho ra mắt nhãn hiệu sữa đặc có đường Ông Thọ. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, bán tại các cửa hàng Cosevina và Imexco nhằm xuất khẩu tại chỗ lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu. Kết quả là, từ vài trăm triệu đồng vốn ban đầu, Vinamilk đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng vào năm 1987, gia tăng sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do Việt Nam bị cấm vận kinh tế, nên Vinamilk không nhập được phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất, bị động nguồn nguyên liệu. Trong tình hình đó, kỹ sư và công nhân đã cùng nhau vượt khó bằng cách tự thiết kế hình Ông Thọ dập nổi, sáng tạo gia công khuôn nắp lon sữa, tận dụng phế liệu từ chiến tranh...

"Chúng tôi “mù” thông tin về giá cả thị trường thế giới, trong khi nguyên liệu lại nhập khẩu hoàn toàn, không giao lưu trao đổi với bên ngoài, bị động nguồn vốn ngoại tệ mạnh. Làm sao có thể giảm giá mua, từ đó giảm giá thành sản phẩm là bài toán khó", bà Liên nhớ lại.

Trong bối cảnh đó, Vinamilk đã tìm hiểu và ký hợp đồng và mua trực tiếp nguồn nguyên liệu bột sữa, dầu bơ… từ một số nước, với giá rẻ hơn vài trăm USD mỗi tấn so với giá nhập qua các công ty xuất nhập khẩu. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm giảm, có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mặt khác, Vinamilk đã lên kế hoạch phát triển hệ thống trang trại bò sữa trong nước nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.

Sau khi cấm vận kinh tế được bãi bỏ, Vinamilk bước sang giai đoạn phát triển mới. Doanh nghiệp nhập máy móc hiện đại nhằm nâng cao sản lượng và tăng cường chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước. Mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam đã giúp tổng đàn tăng từ 3.000 con năm 1991 lên trên 120.000 con năm 2016, cho sản lượng sữa 200.000 tấn/năm.

"Đây là bước ngoặt quan trọng. Nhờ vậy, Vinamilk đã chủ động được nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất. Chiến lược kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cùng vùng nguyên liệu giai đoạn 1991 - 2003 đã giúp Công ty chiếm đến 75% thị phần sữa đặc", lãnh đạo Vinamilk cho biết.

Đến những nhà máy ngàn tỷ đồng

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2003, sữa Ông Thọ vẫn là sản phẩm chủ lực của Vinamilk, luôn nằm trong Top hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, để theo kịp thị hiếu người dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế thị trường ngày càng hội nhập, Vinamilk đã mở rộng danh mục sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chất lượng, phong phú về chủng loại cho phù hợp với từng nhu cầu sử dụng khác nhau.

Kể từ đây, nhiều nhà máy với quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng đã được Vinamilk dồn dập đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất. Điểm chung dễ thấy là, các nhà máy được Vinamilk đầu tư xây dựng trong thời gian ngắn, nên tiết kiệm chi phí đầu tư và gia tăng hiệu quả sản xuất.

Đỉnh điểm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk là năm 2010 - 2013, khi đầu tư vào 2 siêu nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại Bình Dương. Đó là Nhà máy sản xuất sữa nước rộng hơn 20 ha tại Bình Dương, công suất 800 triệu lít/năm và Nhà máy sữa bột với công suất 54.000 tấn/năm.

Ngay khi 2 nhà máy lớn được đưa vào vận hành trong năm 2013, Vinamilk đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012.

Ít ai biết, khi chưa có nhà máy sữa bột của Vinamilk, hàng năm, Việt Nam phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm từ sữa. Nhờ có nguồn cung từ nhà máy của Vinamilk, người tiêu dùng trong nước có điều kiện sử dụng sữa nội với chất lượng của sữa nhập khẩu mà giá chỉ bằng một nửa.

Hiện tại, riêng Vinamilk đã chiếm 40% thị phần sữa bột trong nước. Đồng thời, Vinamilk hiện có 11 nhà máy sản xuất sữa chua cùng nhiều sản phẩm dành cho từng phân khúc riêng biệt như sữa chua Probi, sữa chua Susu dành cho trẻ em, sữa chua Probeauty dành cho phái đẹp... Với công suất 6,5 triệu hũ mỗi ngày, Vinamilk đang chiếm khoảng 85% thị phần sữa chua ở thị trường trong nước.

Bên cạnh 13 nhà máy tại Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia, Vinamilk còn có 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam, với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết lên tới hơn 120.000 con, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Con số này dự kiến tăng lên 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng hơn gấp đôi.

Và đầu tư ra nước ngoài

Không dừng lại ở việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, có sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn cao để xuất khẩu, với chủ trương toàn cầu hóa và nhìn xa trông rộng của Ban lãnh đạo Công ty, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được Vinamilk triển khai nhanh chóng.

Cụ thể, Vinamilk đã đầu tư 22,8% vốn cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zeland), đầu tư 100% cổ phần vào Nhà máy Drifwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần tại Nhà máy Angkor Milk (Campuchia) và mở công ty con tại Ba Lan để làm cửa ngõ giao thương với thị trường châu Âu.

Sau giai đoạn tập trung nhân lực và rót vốn đầu tư ban đầu, các thương vụ đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu mang lại “trái ngọt” cho Vinamilk.

Bà Mai Kiều Liên cho biết, kết quả hoạt động từ các nhà máy mà Vinamilk đầu tư ở nước ngoài đã chứng minh hướng đi đúng đắn của Ban lãnh đạo Vinamilk.

Việc sở hữu 100% cổ phần tại Nhà máy Driftwood đã mang về cho Vinamilk vài ngàn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tương tự, Nhà máy Miraka đã mang về tổng cộng hơn 2 triệu đô-la New Zealand cho Vinamilk.

“Có không ít thời điểm, chúng tôi đã dùng sức mạnh của các công ty ở nước ngoài để bù đắp sự sụt giảm về doanh thu lẫn lợi nhuận của Công ty ở trong nước. Điều này cho thấy, những khoản đầu tư của Vinamilk trong những năm trước đã đi trước một bước và đã hỗ trợ không nhỏ cho Vinamilk trong lúc khó khăn, điển hình như năm 2014”, bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Công ty cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia và đã khánh thành nhà máy vào tháng 5/2016, với công suất 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm, phục vụ nhu cầu người dân Campuchia và khu vực.

Quan điểm phát triển bền vững và hướng tới phạm vi toàn cầu đã tạo nền tảng để Vinamilk có được mức tăng trưởng vượt bậc.

Trong 5 năm trở lại đây, Vinamilk luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong năm 2015, trong bối cảnh thị trường còn gặp nhiều khó khăn, song Vinamilk vẫn đạt những kết quả ấn tượng. Vinamilk vẫn tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu sữa số 1 tại Việt Nam, với doanh thu năm 2015 đạt 40.223 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014.

Nhà sản xuất này đặt ra mục tiêu sẽ đạt doanh số khoảng 3 tỷ USD và đứng vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới trong vài năm tới.

Để hướng tới mục tiêu đó, Vinamilk đã liên tục đầu tư và mở rộng sản xuất, với hệ thống lên tới 13 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và 4 nhà máy chi nhánh ở nước ngoài.

Tính đến tháng 8/2016, Công ty có gần 250 nhà phân phối, hiện diện ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Số điểm bán lẻ được phục vụ bởi nhà phân phối là hơn 212.000 điểm. Sản phẩm của Vinamilk có mặt ở hơn 1.600 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Với lợi thế của một thương hiệu lớn qua 40 năm phát triển cùng người tiêu dùng Việt, thương hiệu Vinamilk đang tiếp tục dẫn đầu trong ngành sữa nội.

Tính tới thời điểm hiện tại, sản phẩm của Vinamilk cũng đã được xuất khẩu sang 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng, như Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia... Hiện tại, Vinamilk cũng là doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với hơn 9 tỷ USD (theo số liệu đến ngày 15/8/2016).

Với chiến lược đầu tư chắc chắn, dài hạn, có thể thấy, mục tiêu lọt vào Top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới của Vinamilk sẽ sớm đạt được. Hơn hết, người tiêu dùng Việt Nam mong chờ những bước tiến dài sắp tới của nhà sản xuất sữa Vinamilk, bởi khi doanh nghiệp trong nước mạnh lên, người tiêu dùng sẽ có cơ hội nhận được nhiều hơn từ những thành quả sản xuất, kinh doanh với cách “chia lửa” đầy tính nhân văn với xã hội của Vinamilk.

Tin liên quan
Tin khác