Hai nhà đầu tư chiến lược lớn đã được Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Vinatex là Bộ Công thương phê duyệt mua 120 triệu cổ phần của Vinatex cách đây ít ngày.
Lễ ký hợp đồng mua bán cổ phần giữa Vinatex VIN Group và VID |
Đó là Tập đoàn VIN Group – CTCP, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phân phối, Tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi bán lẻ là các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam, đăng ký mua 10% vốn điều lệ tương đương 50.000.000 cổ phiếu.
Nhà đầu tư chiến lược thứ hai là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân phối, đơn vị đầu ngành về phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam, đăng ký mua 14% vốn điều lệ tương đương 70.000.000 cổ phiếu.
Theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐTV Vinatex, là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên cổ phần hóa, tuy quy mô kinh tế chưa bằng một số tập đoàn khác, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn với các giá trị khó có thể lượng hóa như giá trị an sinh xã hội khi tạo ra 200.000 việc làm cho người lao động, giá trị thương hiệu, uy tín, văn hóa, con người, đặc biệt là nền tảng thị trường được xây dựng và phát triển trong gần 20 năm qua.
"Với sự hợp tác và đồng hành của 2 đối tác chiến lược lớn là VID Group và VIN Group, Ban lãnh đạo Vinatex kỳ vọng các cổ đông chiến lược sẽ cùng đưa Vinatex sau cổ phần hóa vươn xa và trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu", ông Nghị nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, ngày 22/9/2014, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ diễn ra phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinatex với giá khởi điểm 11.000 đồng/.cổ phần. Sẽ có 121.999.150 cổ phần được chào bán tại sự kiện IPO vào đầu tuần tới.
Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng và được bán 24% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Sau khi cổ phần hóa, Thủ tướng vẫn cho Tập đoàn được tiếp tục hưởng một số chính sách ưu đãi như được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tái cấu trúc; được hưởng các cơ chế tài chính liên quan đến các viện nghiên cứu, trường đào tạo trong ngành dệt may.
Sôi động đường đua IPO Tính từ đầu năm đến ngày 10/9, đã có 65 DN được phê duyệt chuyển thành CTCP. So với con số kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015 thì kết quả này có vẻ khiêm tốn. |
Thế Hải