Đầu tư
Vĩnh Phúc, điểm hấp dẫn nguồn vốn FDI
Diệu Thúy - 02/04/2013 07:14
Vĩnh Phúc được coi là “điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ”, khi thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
TIN LIÊN QUAN

Xác định xu hướng FDI theo từng giai đoạn

Bà Phùng Thị Như Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc) cho biết, bí quyết và cũng là điểm mấu chốt trong thành công thu hút FDI của Vĩnh Phúc là ban lãnh đạo tỉnh có cái nhìn nhạy bén về kinh tế, nắm bắt đúng thời cơ thuận lợi để kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn.

Xe ô tô xuất xưởng từ Công ty Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Chí Cường

Tình hình triển khai thực hiện các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan. Trong tổng số 122 dự án FDI được cấp phép, đã có 98 dự án đi vào sản xuất, 11 dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc mới được cấp phép, 13 dự án xin tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Vốn thực hiện ước đạt 47,68% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng không ngừng tăng, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, như Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), Foxcon, Compal, Fullpower (Đài Loan), G.O. Max, Kumho, Lotte (Hàn Quốc), YCH (Singapore)...

Coi trọng quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng

Xác định quy hoạch là tiền đề, để chủ động lựa chọn các dự án đầu tư, tỉnh đã tập trung nguồn lực để xây dựng, bổ sung và công bố công khai các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển đô thị, khu và cụm công nghiệp. Đến nay Vĩnh Phúc đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 20 khu công nghiệp, với diện tích gần 6.000 ha.

Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện... ngoài hàng rào khu công nghiệp, nên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về chất lượng các công trình hạ tầng kết cấu phục vụ thu hút vốn FDI và nhu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm, Vĩnh Phúc thu hút được 25 dự án FDI, với vốn đăng ký 300 triệu USD và 50 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 6.000 - 7.000 lao động, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của tỉnh”.

Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân

Với quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo an sinh, công bằng xã hội, khi đã có nền tảng công nghiệp phát triển và nguồn thu ngân sách tăng nhanh, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, khu vực thu hồi đất làm công nghiệp, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, như Nghị quyết số 19/2008/NQ-HĐND về hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ thu nhập cho nhân dân các địa phương mất đất làm công nghiệp; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐND về nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Bước đầu, các chính sách đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, tạo sự đồng thuận từ chính quyền đến nhân dân trong việc phát triển công nghiệp và thu hút FDI.

Theo đánh giá, Vĩnh Phúc đang là một trong 13 tỉnh, thành phố có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; đặc biệt là tỉnh đi trước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2005 trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số phát triển con người (HDI) của Vĩnh Phúc luôn xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.

“Sau 15 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 1997-2011, tăng trưởng GDP đạt bình quân 17,2%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.045 USD”, ông Phùng Quang Hùng nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển mạnh công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao có suất đầu tư lớn, sử dụng đất đai, năng lượng, lao động có hiệu quả, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Vĩnh Phúc cũng sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác