Thông tin khởi tố vụ án thao túng giá “cổ phiếu họ APEC” đã làm VN-Index khởi đầu tuần mới với biến động lớn. VN-Index đã đảo chiều khá bất ngờ trong phiên 29/06 với phiên giảm hơn 12 điểm (cao nhất trong tháng 6) và kéo VN-Index trở lại mốc 1.120 vào cuối tuần. So với cuối tuần trước, VN-Index giảm 9,2 điểm (-0,81%).
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 82.816,54 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8%; khối lượng giao dịch giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước, lực bán khá mạnh ở nhóm mã có tính chất đầu cơ, vốn hóa trung bình nhỏ. Thanh khoản HNX giảm 16,07% với 8.245,25 đồng được giao dịch.
HPG vẫn là cổ phiếu dẫn đầu nhóm tác động tích cực lên VN-Index trong tuần với mức tăng 3% trong tuần, ảnh hưởng 1,1 điểm lên VN-Index. Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực trong tuần giúp VN-Index tăng 4 điểm, trong khi đó Top 10 ảnh hưởng tiêu cực kéo VN-Index giảm 7,2 điểm, như vậy mức giảm 9,2 điểm của chỉ số trong tuần chịu ảnh hưởng phần lớn ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ngoài top ảnh hưởng.
Trong tuần, thị trường đón nhận các thông tin đáng chú ý như Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); Tăng trưởng GDP quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6% - 6,5% là rất thách thức.
Nhóm ngân hàng sau tuần tăng điểm tích cực trước đa số chịu áp lực điều chỉnh trở lại với thanh khoản dưới mức trung bình như BVB (-6,09%), VAB (-4,82%), MSB (-3,08%), TPB (-2,70%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ so với tuần trước với CTG (+0,85%), EIB (+0,71%), ACB (+0,68%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có tương quan cao với VN-Index, hầu hết chịu áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng như VIX (-11,48%), WSS (-8,97%), BVS (-7,11%), FTS (-7,04%), BSI (-5,65%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự với đa số chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến khá tiêu cực, nhiều mã chịu áp lực bán mạnh hơn khi tổ chức đại hội cổ đông không thành công với QCG (-24,15%), LGL (-15,21%), TDC (-12,07%), CEO (-9,16%), NHA (-8,37%), DIG (-7,68%)....
Ngược lại, cổ phiếu khu công nghiệp phân hóa nhưng khá tích cực trước những kỳ vọng gia tăng thu hút FDI, mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều mã tăng giá tốt như SIP (+5,78%), IDV (+3,48%), D2D (+3,06%), GVR (+2,11%), KBC (+1,21%)... ngoài cấc mã chịu áp lực điều chỉnh như VGC (-4,05%), DTD (-3,88%), LHG (-2,92%)...
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trong tuần với giá trị bán ròng đạt 180 tỷ đồng, tập trung ở 2 phiên đầu tuần. VHM và STB là 2 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 227 tỷ đồng và 197 tỷ đồng. Chiều mua ròng, HPG là cổ phiếu được mua mạnh nhất với giá trị 750 tỷ đồng, bỏ xa mã thứ 2 là CTG với giá trị 91 tỷ đồng.
Theo chuyên gia CTCK SHS, sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, tuần này thị trường điều chỉnh nhẹ và đóng cửa ở 1.120,18 điểm (-9,2 điểm, -0,81%). Việc diều chỉnh là cần thiết sau khi VN-Index trước đó đã vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm sau giai đoạn dài tăng điểm và qua đó tiếp tục giúp tích lũy thêm nội lực trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự. Thị trường duy trì sóng hồi với sức mạnh ổn định được thể hiện rõ qua từng đợt tăng kèm điều chỉnh tích lũy lại và chúng tôi đã phân tích kỹ kèm khuyến nghị trong các bản tin thời gian qua. Với trạng thái hiện tại khả năng VN-Index sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm vẫn được duy trì.
Xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang tích cực với nhịp điều chỉnh trong tuần vừa qua và tiếp tục tích lũy trong khu vực rộng từ 1.000 điểm - 1.150 điểm, đồng thời tạo cơ sở để hình thành uptrend nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt qua mốc 1.150 điểm.