Kết phiên VN-index tăng 10,46 điểm (+0,94%) lên mức 1.126,43 điểm. HNX-index duy trì tích cực tăng 2,29 điểm (+0,99%) lên mức 233,63 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết phiên giao dịch đạt 20.118,01 tỷ đồng, tăng 5,17% so với phiên trước, trên mức trung bình, thể hiện ngắn hạn dòng tiền nội đang duy trì khá tích cực dù nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 549,14 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng ở các mã như VHM (-244 tỷ đồng), VND (-85 tỷ đồng), FUEVFVND (-76 tỷ đồng), … Ở chiều ngược lại, tập trung mua ròng ở các mã như VHC (+103 tỷ đồng), SSI (+27 tỷ đồng), HPG (+25 tỷ đồng), …
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 11/2023 đạt hơn 7,2 triệu đơn vị. Như vậy đây là tháng thứ hai liên tiếp số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm.
Cuối tháng 9/2023, Chính phủ đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, từ đó làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Trong 2 tháng gần đây đã có tổng cộng 886.779 tài khoản chứng khoán được đóng.
Độ rộng trên 2 sàn niêm yết tích cực trở lại khi có 464 mã tăng giá (13 mã tăng trần), 184 mã giảm giá (10 mã giảm sàn) và 157 mã giữ giá tham chiếu. Trên HOSE, VND và VIX là 2 mã có thanh khoản tốt nhất chỉ đứng sau HAG với 30,76 triệu đơn vị và 29,38 triệu đơn vị. SSI cũng có giao dịch sôi động với 17,9 triệu đơn vị.
Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thủy sản nhiều mã tăng giá hết biên độ, thanh khoản đột biến nổi bật như ASM (+6,92%), VHC (+6,90%), IDI (+6,58%), CMX (+5,02%), ANV (+3,72%)...
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 mặc dù liên tiếp chịu áp lực bán ròng của khối ngoại nhưng nhiều mã cũng có diễn biến khá tích cực, hỗ trợ tâm lý và điểm số thị trường chung, thanh khoản vượt mức trung bình như BCM (+4,27%), MWG (+2,38%),TPB (2,35%), SAB (+1,87%)... trong khi đa số các cổ phiêu ngân hàng tiếp tục có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung, biến động tăng nhẹ, thanh khoản dưới trung bình.
Với riêng BCM, cổ phiếu này được cho là phản ứng tích cực trước thông tin có khả năng sẽ ghi nhận thương vụ chuyển nhượng đất cho Capitaland, giá trị hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 2, BCM tăng mạnh gần kịch trần, phiên trước đó, BCM đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản tăng vọt lên hơn 1,17 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến tích cực từ đâu phiên, nhiều mã vượt vùng giá đinh cũ gần nhất, thanh khoản cải thiện tích cực như HHV (+3,27%), FCN (+2,73%), CII (+2,55%), CTD (+2,02%)... Các cổ phiếu bất động sản nhiều mã tiếp tục phục hồi tăng giá tốt, thu hút lực cầu ngắn hạn với thanh khoản cải thiện như HDG (+3,53%), CEO (+3,51%), HHS (+3,23%), SCR (+3,20%), NDN (+3,09%),,, ngoài một số mã điều chỉnh nhẹ với SJS (-1,51%), NTL (-0,33%), VHM (-0,12%)....