Tài chính - Chứng khoán
VN-Index quay đầu giảm từ phiên chiều, cổ phiếu phân bón ngược dòng tăng
Tùng Linh - 14/04/2022 18:38
Thanh khoản trên thị trường co giảm đáng kể, chưa đạt nổi 1 tỷ USD trên cả ba sàn. Khối ngoại bán ròng 233 tỷ đồng nhưng tập trung mua mạnh ở nhóm phân bón/ hoá chất.

Dòng tiền giao dịch dè dặt, VN-Index quay đầu giảm điểm phiên chiều

Đà hồi phục của VN-Index tiếp tục lan toả trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, sau khi vượt qua mức 1.484 điểm đầu giờ chiều, chỉ số sàn HoSE quay đầu giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,08 điểm (-0,34%) xuống 1.472,12 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm khá, rơi sâu ở phiên đóng cửa ATC. Chỉ số sàn HNX kết phiên giảm 3,76 điểm (-0,88%) xuống 423,69 điểm. Riêng chỉ số sàn UPCoM hồi phục cuối phiên chiều và đóng cửa tăng 0,11 điểm (0,1%) lên 113,41 điểm.

Trên ba sàn, có 460 mã tăng giá, 39 mã tăng kịch biên độ; trong khi đó, số mã giảm chỉ 404 mã và 16 mã giảm sàn. Số mã tăng điểm vẫn nhỉnh hơn nhưng xét riêng nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn số mã giảm lại áp đảo. 20/30 cổ phiếu trong rổ danh mục VN30 giảm giá. VN30-Index giảm 0,48%, giảm mạnh hơn chỉ số chung. Trong khi đó, VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 0,03% và 0,12%.

Chứng khoán Việt Nam đảo chiều giảm sau phiên sáng

Các đầu tàu kéo VN-Index giảm hầu hết là ông lớn nhóm ngân hàng, bất động sản lần lượt là VCB (-1,7%), VHM (-1,09%), NVL (-1,73%), TCB (-1,46%), DIG (-6,29%). Tương tự, trên sàn HNX, NVB bốc hơi 7,39% giá trị cổ phiếu đã góp tới 1,36 điểm giảm cho chỉ số chung. Các cổ phiếu tác động tiêu cực đến HNX-Index còn có IDC, CEO, KSF.

Điểm khá tiêu cực trong phiên hôm nay là sự sụt giảm đáng kể của dòng tiền. Thanh khoản chưa đến 1 tỷ USD. Giá trị giao dịch trên ba sàn xấp xỉ 21.135 tỷ đồng, giảm 18,8% so với phiên liên trước. Không kể phiên khai xuân Nhâm Dần (7/2), đây là phiên giao dịch có mức thanh khoản thấp nhất từ tháng 2/2022.

Các nhà đầu tư nước ngoài quay lại trạng thái bán ròng trong phiên hôm nay với giá trị bán ra nhỉnh hơn 233 tỷ đồng. Trong đó, riêng HPG đã bị bán ròng 171 tỷ đồng.  Một số cổ phiếu khác cũng bị bán ròng mạnh như VND (89 tỷ đồng), VHM (41 tỷ đồng), VNM (40 tỷ đồng). Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn đang hút mạnh dòng tiền khối ngoại. DGC được mua ròng gần 94 tỷ đồng trong phiên tăng kịch biên độ hôm nay. Đây cũng là cổ phiếu đã được Dragon Capital chi hàng ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ trong quý đầu năm. Không riêng DGC, hai cổ phiếu đầu ngành phân bón cũng hút mạnh dòng tiền khối ngoại, được mua ròng 63 tỷ đồng với DPM và 43 tỷ đồng với DCM.

Cổ phiếu dầu khí, phân bón ngược dòng

Nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón toả sáng trong phiên giao dịch hôm nay. Giá dầu thế giới vẫn đang ở mức cao trên 100 USD/thùng, dù thời gian gần đây không còn ghi nhận các biến động quá lớn.

Nhóm phân bón được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh quý I ở mức rất cao nhờ giá bán bình quân tăng mạnh. Theo số liệu công bố tại ĐHĐCĐ thường niên, Tập đoàn hóa chất Đức Giang ước lãi quý I /2022 đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính của  SSI Research, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ).

Ngoài hút mạnh dòng vốn ngoại, cổ phiếu DGC và DCM đều tăng kịch biên độ. DPM cũng tăng 6,18% lên 72.200 đồng/cổ phiếu. Với DGC và DPM, đây đều là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này. Đồng thời, hai cổ phiếu còn nằm trong top 3 cô phiếu được giao dịch nhiều nhất, chỉ sau VPB. Một số cổ phiếu dầu khí cũng tăng kịch biên độ như PVB, PVC. GAS tăng 1,36% và là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng thứ hai cho VN-Index, chỉ sau DGC. Trên sàn HNX, cổ phiếu LAS của CTCP Supe Phốt Phát và Hoá chất Lâm Thao cũng tăng trần và là cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất, kéo lui đà giảm của HNX-Index.

Tin liên quan
Tin khác