Ngân hàng - Bảo hiểm
Vợ chồng tiền ai nấy tiêu, gia đình tôi lao đao khi sự cố ập đến
Bảo Ngọc - 12/03/2018 15:35
Tự chủ về kinh tế, chị Nhã không mấy để ý tới việc chi tiêu của chồng vì tin tưởng anh, cho tới khi có người tới nhà đòi nợ.
Ảnh minh họa: Bustle.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thanh Nhã, 40 tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai về bài học đắt giá khi vợ chồng tiền ai nấy tiêu, không hỏi han chia sẻ với nhau về các vấn đề tài chính của mỗi người. 

Vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai đều gần 30 tuổi và có nghề nghiệp ổn định. Tôi có lớp dạy thêm tiếng Anh tại nhà, chồng làm công ty lớn ở vị trí trưởng phòng. Vì đã có chút tích lũy, chúng tôi hùn tiền mua được nhà ngay sau khi cưới ít lâu.

Vốn tính độc lập, sau khi cả hai gom góp trả hết nợ mua nhà, tôi cũng chẳng đòi hỏi chồng phải nộp lương. Chồng tôi là người hiền lành, luôn chủ động đóng góp các khoản cho gia đình, từ sắm nội thất trong nhà tới mua đồ cho con cái. Dần dần, sau vài năm, chẳng cần bàn bạc rõ ràng, chúng tôi mỗi người tự gánh vác các khoản nhất định: Tôi lo ăn uống, chi phí điện nước, anh đóng học cho con, trả tiền giúp việc, chi trả cho các lần đi chơi... Khoản biếu, cho ai vay mượn, mua sắm cho cá nhân thì mỗi người tự lo. 

Bảy năm đầu hôn nhân, mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Tôi thậm chí còn cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải quản tiền chồng, không cần lo anh nói nặng nói nhẹ khi tôi lỡ tiêu riêng vài món hơi quá tay. Cũng có vài lần, chồng chủ động đưa cho tôi một món nào đó khi anh được thưởng thêm hay nhận được khoản ngoài dù tôi không đòi hỏi. 

Tiền của mình sau khi lo cho gia đình, tôi thích mua đồ chăm sóc da, váy vóc, gửi tiết kiệm, thi thoảng sắm cho ba mẹ vài món đồ gia dụng... Chồng đam mê chơi máy bay điều khiển, anh có thể tiêu vào đó mà tôi cũng chẳng phàn nàn gì, miễn là vẫn hoàn thành các trách nhiệm trong gia đình. 

Một số bạn bè biết cách chi tiêu của gia đình tôi cũng góp ý vẫn nên bắt chồng nộp một khoản tiền nhất định để tránh rủi ro vì đàn ông rủng rỉnh trong túi dễ sinh hư. Tôi không nghĩ vậy vì tin chồng bởi anh là người đứng đắn, không thích rượu chè, trai gái bao giờ. 

Nhưng sự đời khó ngờ. Đúng hai năm trước, cả gia đình tôi náo loạn khi có nhóm ngổ ngáo xông tới đòi nợ. Lúc đó chồng tôi không có nhà. Họ nói anh ấy nợ 500 triệu, tới hạn phải trả mà trốn biệt tăm, gọi điện cũng không thèm nghe. Tôi quá sốc, chẳng biết nói gì, ngồi chết lặng, chỉ mẹ chồng ra thương lượng gì đó họ mới chịu về sau khi đã dọa dẫm một hồi. 

Sau này cả nhà mới vỡ lẽ, chồng tôi sa đà vào trò cá độ bóng đá từ nửa năm trước, đã vay nợ của nhiều người quen, rồi quay ra vay nặng lãi. Tới khi lãi mẹ đẻ lãi con không thể trả nổi, anh trốn đi, xin nghỉ việc vài tuần. Mẹ chồng tôi khi ấy mới kể rằng hồi sinh viên cũng có thời phải trả nợ cho anh vì chơi cá độ. Nhưng sau dịp ấy, anh chừa hẳn, không hiểu sao hơn chục năm sau bị ai rủ rê mà lại lún sâu vào trò này. 

Gia đình tôi sau đó vừa lo tìm anh về, vừa phải bàn cách trả nợ. Tôi như bị rơi xuống vực lần nữa khi biết tổng các món nợ của chồng lên tới gần hai tỷ chứ không chỉ 500 triệu. Anh xin lỗi tôi, nhờ tôi trả giùm, sau này anh sẽ cố gắng sớm hoàn lại.

Tôi cay đắng nhận ra rằng, bấy lâu nay chồng nghĩ tôi kiếm được nhiều tiền lắm và hai chúng tôi thực sự như hai kẻ xa lạ nhưng đang phải ngồi chung trên con thuyền chòng chành sắp đắm. Tôi không thể coi anh như người dưng và mặc kệ chồng chìm xuống nên đành rút tiết kiệm, vay mượn thêm trả cho anh. Tôi cũng không thể chịu nổi cảnh mỗi ngày đều có người tới nhà mình dọa dẫm, la lối. Mẹ chồng tôi hỗ trợ một phần và huy động thêm từ một số anh chị em trong nhà. Nhưng rõ ràng khoản vay đó tôi cũng phải gánh chung với chồng. 

Sau sự việc đó, tôi ra tối hậu thư với chồng rằng nếu có khoản nợ nào khác vỡ lở hay anh còn chơi cá độ một lần nữa thì tôi sẽ ly dị ngay lập tức. Chồng đã hứa nhưng thực sự niềm tin trong tôi vơi đi rất nhiều. Cũng phải mất hơn một năm gia đình tôi mới tạm yên. 

Hai năm nay, chồng tôi có vẻ không đoái hoài gì tới mấy trò cá độ nữa. Nhưng, như nhiều người nói, tật cũ khó bỏ, tôi vẫn luôn nơm nớp có ngày cả nhà phải ra đường nếu việc xưa lặp lại. Tôi biết anh là người tốt và yêu thương vợ con nhưng không vững vàng trước những cám dỗ cuộc sống. Có lẽ nếu trước đây tôi "quản" chồng chặt hơn, nắm rõ các khoản tiêu pha của anh, giữ bớt thu nhập hằng tháng... thì chồng không tới nỗi lún sâu vào trò thắng thua tới mức nợ nần chồng chất như vậy.

Gia đình tôi giờ không còn chuyện tiền ai nấy tiêu nữa bởi phải góp chung một mối để lo trả nốt khoản nợ cũ của chồng. Tôi vẫn còn một phần tiền tiết kiệm nhưng quyết giữ lại số đó để lo cho con lỡ có chuyện bất trắc.

Theo chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân gia đình Bội Lê, TP HCM, tiền ai nấy tiêu có thể tạo sự thoải mái về tâm lý cho vợ chồng nhưng chỉ phù hợp với những đôi mà cả hai đều có ý thức trách nhiệm và hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính. Nghĩa là, họ luôn vun vén cho gia đình và ít nhất phải biết được chỗ nào là tiết kiệm, đầu tư, chỗ nào là lừa đảo. Ngoài ra, để tránh rủi ro cho gia đình thì dù cả hai độc lập, mỗi người vẫn nên công khai về thu chi và các quyết định tài chính với người kia.

Chuyên gia cho rằng, ở các nước phát triển, hầu hết mọi người được làm quen với các khái niệm tài chính cá nhân từ khi ngồi trên ghế nhà trường nên họ nắm rõ kiến thức về quản lý tiền bạc và việc độc lập kinh tế khi đã lập gia đình là điều không hiếm. Ở nước ta, rất nhiều người tới trước khi lập gia đình vẫn chưa từng tự lo chi tiêu, biết tới các khái niệm như tiết kiệm, tạo ngân sách... Như vậy độ rủi ro rất lớn cho kinh tế gia đình nếu vợ chồng tiền ai nấy tiêu, nhất là khi một trong hai người sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Ông Bội Lê cho rằng, các đôi vợ chồng vẫn có thể độc lập tài chính nhưng cần tuân thủ nguyên tắc chỉ chi tiêu trong ngân sách sau khi đã lập kế hoạch cho gia đình theo phương pháp 6 cái lọ: 55% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho giáo dục, 10% cho hưởng thụ, 10% cho tự do tài chính, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 5% giúp đỡ người khác. Mỗi nhà có thể điều chỉnh tỉ lệ giữa 6 cái lọ này sao cho phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mình.

Tin liên quan
Tin khác