Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương điều chỉnh cách thức hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức).
Theo đó, trong quá trình cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố, các thương nhân, thương lái thay vì trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp sẽ chuyển sang giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại.
Ông Vũ cho biết, trên địa bàn có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm; 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm; 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích; 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP.HCM với khối lượng dồi dào.
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống (Ảnh minh hoạ). |
Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, Sở Công Thương cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định.
Vì vậy, Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng.
Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ tại họp báo chiều nay về việc cung ứng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn (Ảnh: Q.T). |
Là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chuỗi các siêu thị lớn nhất của TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ.
Tại các siêu thị Co.opmart cũng được chuẩn bị phương án phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị,…để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các ứng công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách.
Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang online để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân.
Còn với hệ thống siêu thị Satrafoods, ông Lâm Quốc Khanh, Tổng giám đốc Satrafoods cũng cho rằng, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng.
Đơn vị này đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Cùng với đó, các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động, cụ thể mở cửa từ 7 giờ -23 giờ hàng ngày.
Về vấn đề lưu thông hàng hóa, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, 4 tỉnh giáp ranh Thành phố là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua.
Đơn vị này cũng đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa.