Việt Nam vẫn đang duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp và phát triển sản xuất, xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động và có kỹ năng thấp. Tuy nhiên, những lợi thế này đang mất dần. Vì vậy, không chỉ mỗi ngành, lĩnh vực mà toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Tại Hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu của các ngành công nghiệp cũng như đóng góp của mỗi ngành trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước ta thời gian tới.
Phân tích vấn đề này, ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công thương cho biết, các ngành công nghiệp công nghệ thấp hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng cao, khoảng 65% tổng sản phẩm chế biến chế tạo, trong khi con số này của toàn cầu chỉ là 18%.
Những ngành công nghiệp này đều sử dụng nhiều lao động hoặc giá trị gia tăng thấp. Đây là một trong những cản trở lớn đối với phát triển công nghiệp khi Việt Nam cần từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao, sản phẩm giá trị gia tăng cao, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
“Với xu hướng tự động hóa và sự tham gia của robot có khả năng tùy chỉnh cao, cuộc cách mạng này sẽ có tác động lớn trong việc thay đổi mô hình tổ chức sản xuất của các ngành công nghiệp chính của Việt Nam. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hạn chế về năng lực đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất sẽ bị suy giảm đáng kể”, ông Khôi nhận định.
Cùng chung quan điểm, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc NCIF cho rằng, ngành sản xuất, chế biến, chế tạo sẽ có tác động lớn và dễ nhận thấy nhất bởi đây hiện là ngành thâm dụng nhiều lao động và đang bị đe dọa bởi robot hóa.
“Đơn cử ngành dệt may, theo đánh giá của tổ chức lao động quốc tế, tại Việt Nam, 86% lao động trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu chúng ta ko có chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo, đào tạo lại thì một lực lượng lớn lao động trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Khôi nêu ví dụ.
Mặt khác, ông Khôi cũng cho rằng, nếu như trước đây, các nền kinh tế phát triển đầu tư ở Việt Nam chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và tài nguyên. Thì hiện nay, với thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, robot hóa đang dần thay thế con người trong quá trình sản xuất. Do đó, những doanh nghiệp, tập đoàn của những nền kinh tế phát triển đang có xu hướng quay trở lại nền kinh tế chính quốc như Mỹ, Nhật Bản...
Như vậy, đầu tư trong lĩnh vực này sẽ suy giảm nếu chúng ta không có chính sách thu hút, chuẩn bị cho lực lượng lao động, cũng như nền tảng cho ứng dụng công nghệ 4.0 thì đầu tư nước ngoài sẽ dần rời bỏ Việt Nam, ảnh hưởng lớn tăng trưởng sản xuất, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đánh giá về thách thức hiện tại, vị Phó giám đốc NCIF cho rằng thách thức lớn nhất nằm ở nhận thức. Hiện nay, dù Chính phủ đưa ra nhiều thông điệp, chương trình cụ thể, tuy nhiên quay trở lại doanh nghiệp thì nhận thức về cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nền kinh tế vẫn rất hạn chế.
Trong một khảo sát của Bộ Công thương đối với độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp 4.0 thì thấy rằng, doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành sản xuất sử dụng công nghệ thành tựu của cuộc cách mạng này như điện toán đám mây, dữ liệu lớn rất ít. Ngành sử dụng lớn nhất cũng chỉ xung quanh 6% trong mẫu điều tra khảo sát.
Thậm chí, số lượng doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng thành tựu công nghệ cũng rất ít. Qua đó, có thể thấy, đa số doanh nghiệp Việt Nam không có kế hoạch hay ứng phó gì với cuộc cách mạng này.
“Đây được coi là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp đang có suy nghĩ cách mạng 4.0 đang ở đâu chứ chưa chạm đến mình, trong khi nó đang hiện hữu hàng ngày”, ông Khôi băn khoăn.
Do vậy, ông Khôi khuyến nghị cần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, của bộ, ngành, địa phương, của các viện, trường, trung tâm đào tạo, để thấy rằng cuộc cách mạng đến với chúng ta hiện là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, chúng ta buộc phải theo, mà ở đó, nếu không có sự thay đổi, chúng ta sẽ lạc hậu.
Bên cạnh đó, trong điều kiện cách mạng 4.0, cũng cần xem xét lại mục tiêu tái cơ cấu kinh tế. “Trước đây, xây dựng tái cơ cấu kinh tế không đề cập đến cách mạng 4.0. Hiện nay, cuộc cách mạng này đã thay đổi toàn diện xã hội, kể cả tư duy quản lý, cách thức, phương thức sản xuất. Do vậy, chúng ta cần có sự điều chỉnh tốt hơn, kỹ càng hơn đối với việc xây dựng tái cơ cấu kinh tế, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”, ông Khôi nói.