Đầu tư
Vốn châu Á dẫn sóng vào bất động sản
Lê Quân - 28/10/2020 09:26
Mở rộng dự án và góp vốn, mua cổ phần là dòng chảy chính của đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản những tháng qua và dẫn dắt dòng vốn là các nhà đầu tư châu Á.
Các nhà đầu tư châu Á dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư bất động sản từ đầu năm đến nay.

Vốn châu Á cầm trịch

Đúng theo xu hướng đầu tư chung của thế giới, dòng vốn tìm đường trú ẩn vào tài sản an toàn hơn như bất động sản, thay vì chứng khoán hay USD. Đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 ngược dòng với tình hình chung về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Không những không hao hụt, mà tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản trong tổng vốn đăng ký tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD. Riêng vốn ngoại vào bất động sản gần 3,46 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đăng ký, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng kể, tỷ trọng vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng lên 15%, từ mức 10% trong cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần thống lĩnh dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản trong 10 tháng năm 2020 và lần lượt đạt 1,24 tỷ USD và hơn 1,5 tỷ USD, chiếm tổng cộng hơn 79% vốn đăng ký. Trong khi đó, vốn đăng ký cấp mới lép vế ở mức 713,57 triệu USD, chiếm gần 21% tổng vốn đăng ký.

Điều này đúng như dự báo của các chuyên gia về biến động tâm lý đầu tư thời Covid-19, rằng nhà đầu tư sẽ né tránh rủi ro đầu tư trực tiếp các dự án, mà dòng vốn nước ngoài đổ vào bất động sản chủ yếu đến từ các nhà đầu tư hiện hữu có động thái mở rộng đầu tư và các nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần.

Các nhà đầu tư châu Á dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư bất động sản từ đầu năm đến nay. Điểm danh 7 nhà đầu tư bất động sản rót vốn trên 100 triệu USD, thì Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản đóng góp tổng cộng 2,24 tỷ USD, bằng 70% tổng vốn đăng ký trong 9 tháng năm 2020.

Đáng kể là động thái của Công ty TNHH Phát triển THT (Hàn Quốc). Cuối tháng 6/2020, doanh nghiệp này đã bơm thêm 774 triệu USD vào Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Với động thái này, THT là nhà đầu tư nước ngoài rót vốn “khủng” nhất vào thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay.

Theo sau là động thái tăng vốn 246 triệu USD của nhà đầu tư Singapore cho Dự án tòa văn phòng thuộc Dự án Vinhomes Metropolis (số 29 - Liễu Giai, Hà Nội). Trước đó, ngày 11/3/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần Vinhomes Metropolis cho Công ty cổ phần Twin-Peaks (công ty con của Tập đoàn CapitalLand từ Singapore), phần được chuyển nhượng là tòa nhà văn phòng, có tên gọi là Capital Place.

Góp vốn, mua cổ phần sôi động

Trong hơn 1,5 tỷ USD đầu tư vào bất động sản dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần trong 10 tháng năm 2020, dấu chân của các nhà đầu tư châu Á rất lớn. Cùng với Credit Suisse AG, Viking Asia Holdings II Pte. Ltd góp tới gần 656,49 triệu USD vào Công ty cổ phần Vinhomes và trở thành cổ đông lớn tại công ty bất động sản “họ Vin”. Dòng vốn này của Viking Asia Holdings II Pte. Ltd đưa Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền nhiều nhất vào bất động sản Việt Nam trong 9 tháng.

Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 của Việt Nam đang làm các nhà đầu tư chuyển từ sự tò mò sang quan tâm nghiêm túc, với yêu cầu và lượng giao dịch thị trường vốn gia tăng.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam.

Động thái đáng chú ý khác của nhà đầu tư Singapore là việc Portsville Pte.Ltd bỏ ra 26,38 triệu USD góp vốn, mua cổ phần tại liên doanh có tên tuổi ở phía Nam là Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.

Trong 15 doanh nghiệp nước ngoài góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất, thì 9 doanh nghiệp đến từ châu Á đóng góp tới 52% tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam đánh giá, ngoài việc nhu cầu và lượng giao dịch thị trường vốn đang gia tăng, thì về trung hạn, nhiều cơ hội sẽ mở ra thêm cho thị trường bất động sản. Chẳng hạn, việc bầu cử Quốc hội trong năm 2021 sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam hơn nữa, trong khi ngành ngân hàng đang hành động tích cực đối với nợ xấu và quy trình đấu giá đất của Nhà nước ngày càng định hình rõ ràng hơn. Các yếu tố này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và tạo một thị trường năng động hơn.

Còn đối bất động sản công nghiệp - lĩnh vực đón thêm hàng chục dự án đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến này, ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hạn chế đi lại, hoạt động của lĩnh vực khu công nghiệp xoay quanh các công ty ở Việt Nam mở rộng hoặc chuyển địa điểm sản xuất.

10 tháng năm 2020 chứng kiến một số thương vụ sáp nhập quan trọng và sự xuất hiện của các tài sản để bán và cho thuê lại. Về tình hình cho thuê, nguồn cầu về loại hình xây sẵn tăng trưởng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đang dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng của họ.

Tin liên quan
Tin khác