Tập đoàn Keppel (Singapore) vừa thông báo bán phần vốn chi phối tại Dự án Saigon Centre (quận 1, TP.HCM). |
Nhìn rộng ra toàn cầu, theo báo cáo của KPMG, vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng từ 75,3 tỷ USD trong quý I/2024, lên 94,3 tỷ USD trong quý II/2024.
Một số thương vụ lớn (có trị giá hơn 1 tỷ USD) như Coreweave (8,6 tỷ USD), xAI (6 tỷ USD), Lazada (1,9 tỷ USD), Juul (1,2 tỷ USD). Trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là lĩnh vực nóng nhất, thu hút vốn đầu tư mạnh nhất trên toàn cầu. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng và công nghệ sạch vẫn hấp dẫn đối với vốn đầu tư, bên cạnh các giải pháp công nghệ tài chính và B2B.
Hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khá trầm lắng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam cũng là tác nhân khiến thị trường M&A không sôi động trong những tháng vừa qua, đặc biệt trong quý III/2024.
Thị trường M&A tháng 8/2024 tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, ghi nhận con số thấp nhất kể từ đầu năm cả về số lượng và giá trị. Theo dữ liệu của DealStreetAsia, thị trường M&A tháng 8/2024 chỉ ghi nhận 46 thương vụ, giá trị 314 triệu USD, giảm mạnh so với tháng 7 (53 thương vụ, giá trị 504 triệu USD).
Trong đó, mảng Fintech vẫn tiếp tục huy động được nhiều vốn đầu tư nhất, với 12 thương vụ, giá trị 107 triệu USD. Các giao dịch vốn nhỏ nhiều hơn, bao gồm 4 thương vụ trước vòng hạt giống, 14 thương vụ vòng hạt giống và 7 thương vụ gọi vốn Serie A.
Xét trên bình diện quốc gia, Singapore vẫn là thị trường dẫn đầu, với 26 thương vụ, giá trị 282 triệu USD. Việt Nam chỉ có 3 thương vụ trong tháng 8, với giá trị 4 triệu USD.
Số lượng giảm, giá trị có tăng?
Số lượng giao dịch M&A tại Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực chủ yếu hút vốn đầu tư là bất động sản, bán lẻ, năng lượng sạch. Tuy nhiên, lĩnh vực được kỳ vọng là tài chính, ngân hàng lại thiếu vắng những thương vụ bán vốn “khủng”, như VPBank bán 15% vốn trị giá 1,5 tỷ USD cho SMBC cuối năm 2023.
Các thương vụ M&A nổi bật trong 8 tháng đầu năm 2024 có thể kể đến lĩnh vực bất động sản thương mại khi Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail. Theo VietCap, giá trị thương vụ này có thể tới 39.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2024, Tập đoàn Keppel (Singapore) thông báo bán phần vốn chi phối tại 2 dự án bất động sản thương mại lớn tại TP.HCM là Saigon Sports City (TP. Thủ Đức) và Saigon Centre giai đoạn III (Quận 1). Bên nhận chuyển nhượng là một số công ty bất động sản Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng vốn của 2 dự án này có thể tới 8.500 tỷ đồng.
Những thương vụ lớn khác trong lĩnh vực bất động sản như Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) thâu tóm 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước, rộng 45,5 ha, từ Tập đoàn Nam Long (NLG), với giá khoảng 26 triệu USD; Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển Dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại tỉnh Bình Dương.
Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng là mảnh đất tiềm năng cho M&A khi các nhà sản xuất lớn vẫn tiếp tục cam kết những khoản đầu tư tăng thêm vào Việt Nam. Tripod Technology Corporation (Đài Loan) đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ nhà phát triển bất động sản công nghiệp Sonadezi Châu Đức (SZC). Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lĩnh vực năng lượng sạch cũng là điểm đến của vốn đầu tư từ các nước trong khu vực. Công ty con do Sembcorp (Singapore) đã mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex, đồng thời dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 trong hệ thống của Gelex trong nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, Levanta Renewables, công ty chuyên về năng lượng tái tạo tại Singapore công bố đang mua lại dự án điện mặt trời áp mái công suất 28,7 MWp từ các công ty liên quan của CTCP Tiến Nga.
Trong 8 tháng năm 2024, giá trị giao dịch tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch thoái vốn khỏi Vincom Retail của Vingroup thì giá trị các giao dịch M&A không lớn so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, thị trường đang kỳ vọng những thương vụ M&A có giá trị lớn trong quý cuối cùng năm 2024, nhất là lĩnh vực bất động sản, khi 3 luật liên quan có hiệu lực kể từ đầu tháng 8/2024.
M&A “ẩn” trong tài chính cấu trúc
Một loại hình M&A không xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin và truyền thông là giao dịch hợp tác đầu tư vốn vào một phần của dự án hoặc đầu tư vào “dự án trong dự án”.
Các giao dịch đầu tư này thường xuất hiện đi cùng với giao dịch tài chính cấu trúc (structured finance). Trong đó, bất động sản là lĩnh vực xuất hiện nhiều giao dịch theo hình thức này.
Báo cáo tài chính quý II/2024 của một số chủ đầu tư bất động sản lớn tiếp tục xuất hiện những khoản tiền nhận hợp tác đầu tư và kinh doanh trên các dự án đang triển khai theo các hình thức chia cổ tức cố định hoặc lợi nhuận của hợp đồng hợp tác. Thực tế thị trường bất động sản cho thấy, một số “dự án trong dự án” được công bố mở bán bởi nhà phát triển bất động sản có vốn ngoại hoặc vốn ngân hàng.
Ba đạo luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực từ đầu tháng 8/2024 sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch cho các hoạt động phát triển thị trường ổn định và bền vững cũng như dịch chuyển dòng vốn, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, vào các dự án có pháp lý hoàn thiện và có thể triển khai sớm.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua từ đầu năm 2024 với những quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ sở hữu và tập trung tín dụng vào các bên liên quan cũng sẽ tạo thêm động lực cho các hoạt động M&A bất động sản “ẩn” trong các cấu trúc giao dịch tài chính trong khối ngân hàng được diễn ra mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm.
Tiềm năng M&A ngành tài chính
Với kế hoạch của Chính phủ hướng tới nâng cấp thị trường chứng khoán lên hạng mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm 2025, nhu cầu vốn trong ngành tài chính sẽ là động lực quan trọng cho xu hướng M&A sắp tới. Một số ngân hàng, công ty chứng khoán đã và đang công bố kế hoạch tăng vốn để đón đầu nâng hạng thị trường.
Công ty Chứng khoán DNSE là một trường hợp IPO hiếm hoi của ngành tài chính trong 8 tháng đầu năm 2024. Các công ty chứng khoán quy mô lớn như VNDIRECT, SSI đều đã thành công trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn. Công ty Chứng khoán VietCap vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành riêng lẻ, với khối lượng hơn 143,6 triệu cổ phiếu, giá chào bán 28.000 đồng/cổ phiếu. Mức dự kiến phát hành nêu trên tương đương 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự kiến thu được hơn 4.021 tỷ đồng. Có 66 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đăng ký mua trong đợt phát hành riêng lẻ này của VietCap, trong đó có các quỹ đầu tư lớn nước ngoài.
Có thể thấy, trong xu hướng M&A cuối năm 2024 và đầu năm 2025, vốn đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tiếp tục “dẫn sóng”. Điều này cũng thể hiện niềm tin vào thị trường tài chính và sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam của dòng vốn quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có các hành động cụ thể trong việc đáp ứng yêu cầu của các tổ chức nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả vốn trực tiếp và gián tiếp.