Điểm nóng
Vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Đấu thầu lấy lệ để trục lợi
Huệ Nguyễn - 15/01/2025 09:33
Với phương pháp chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn, chủ đầu tư chỉ được áp dụng với gói thầu dưới 1 tỷ đồng, song Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã áp dụng cho 7 gói thầu lên tới hơn 420 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các bị cáo thông đồng để hợp thức hóa hồ sơ, thực hiện mở thầu, chấm thầu lấy lệ.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị truy tố khung hình phạt cao nhất

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đưa, nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) và các đơn vị liên quan.

Hội đồng Xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm Chủ tọa phiên tòa. Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phân công 3 kiểm sát viên đại diện, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phiên tòa.

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản cáo trạng, truy tố các bị cáo trong vụ án. Theo đó, Nguyễn Đức Thái (sinh năm 1962), cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Giáo dục bị truy tố về tội “nhận hối lộ”, theo quy định tại điểm a, b, khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Bên cạnh đó, bị cáo Tô Mỹ Ngọc (sinh năm 1980), cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng; Chủ tịch, kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty Giấy CP và Nguyễn Trí Minh (sinh năm 1975), Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, cùng bị truy tố về tội “đưa hối lộ”, theo quy định tại khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan tố tụng đánh giá, mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo khoa là hoạt động chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa. Việc mua giấy in với giá cao làm tăng giá sách.

Các bị cáo khác là các cựu lãnh đạo, nhân viên NXB Giáo dục cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm Hoàng Lê Bách (sinh năm 1966) và Lê Hoàng Hải (sinh năm 1969), đều là cựu Phó tổng giám đốc; Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1967), cựu Trưởng ban Kế hoạch marketing; Đinh Quốc Khánh (sinh năm 1970), cựu Phó trưởng Phòng in, phát hành, NXB Giáo dục Hà Nội (thời điểm phạm tội làm việc tại NXB Giáo dục); Phạm Gia Thạch (sinh năm 1971), thành viên Hội đồng Thành viên.

Cáo trạng quy kết, theo quy định của Luật Đấu thầu, phương pháp chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn chỉ được áp dụng đối với các gói thầu có giá trị không quá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, 7 gói thầu mua sắm giấy in phục vụ năm 2018-2019 tại NXB Giáo dục có tổng trị giá hơn 420 tỷ đồng, trong đó mỗi gói thầu đều vượt quá 1 tỷ đồng.

Kết quả giám định của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP. Hà Nội xác định, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỷ đồng; trong đó, Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng gây thiệt hại hơn 6,5 tỷ đồng, Công ty Giấy Minh Cường Phát gây thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.

Nhà thầu được chủ đầu tư đưa trước hồ sơ

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái đã chỉ đạo cấp dưới để “tạo điều kiện” cho Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy Minh Cường Phát được trúng thầu theo đúng thỏa thuận với Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh.

Các bị cáo đã thống nhất áp dụng phương pháp chào hàng cạnh tranh, cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, chất lượng tốt, giá bán thấp; không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Theo đó, tháng 8/2017, Thái chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Thủy, khi đó là Trưởng ban Kế hoạch marketing, áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để triển khai kế hoạch mua sắm giấy in.

Thủy tiếp tục chỉ đạo Phó trưởng ban là Đinh Quốc Khánh lập các tờ trình về kế hoạch mua sắm, chào hàng cạnh tranh, gồm 7 gói thầu, trong đó có 6 gói thầu giấy in ruột và 1 gói thầu giấy in bìa.

Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư và Tổ Tư vấn triển khai, Thái đã tổ chức họp để các thành viên thống nhất phương thực thực hiện như trên.

Sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Thủy và Khánh được Thái chỉ đạo cung cấp bảng thông tin chào hàng cho Tô Mỹ Ngọc để chuẩn bị hàng hóa, giá dự thầu của các gói thầu mà Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng tham gia.

Các bị cáo đã thông đồng để hợp thức hóa hồ sơ, thực hiện các thủ tục mở thầu, chấm thầu “lấy lệ”, và cuối cùng, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái ký quyết định phê duyệt cho công ty của Ngọc trúng 3 gói thầu, với tổng trị giá hơn 282 tỷ đồng.

Để cảm ơn việc giúp đỡ, hỗ trợ các thủ tục trên, Tô Mỹ Ngọc đã nhiều lần gặp, đưa cho Nguyễn Thị Thanh Thủy 320 triệu đồng, trong đó Thủy có báo cáo Nguyễn Đức Thái và được chỉ đạo đưa 100 triệu đồng cho Ban Kế hoạch marketing và Ban Kế hoạch tài chính, còn lại Thủy sử dụng.

Ngoài ra, đối với gói thầu số 7, theo đề nghị được tạo điều kiện trúng thầu của Nguyễn Trí Minh, ông Thái đã nhiều lần chỉ đạo Phó tổng giám đốc Lê Hoàng Hải và Nguyễn Thị Thanh Thủy để Công ty Giấy Minh Cường Phát trúng gói thầu này.

Thực hiện chỉ đạo trên, Thủy và Khánh đã thống nhất chỉ phát hành duy nhất một hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu số 7, không cung cấp hay bán hồ sơ cho các công ty khác.

Tiếp đó, Nguyễn Trí Minh đã chỉ đạo nhân viên lập 3 bộ hồ sơ dự thầu, trong đó có một bộ chính của Công ty Giấy Minh Cường Phát và 2 bộ “quân xanh” của Công ty Giấy Hân Phát và Công ty Giấy Chánh Đạt, đồng thời ký khống đại diện công ty khi nộp hồ sơ để hợp thức việc tham dự thầu của 3 công ty.

Liên quan vấn đề trên, cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Đức Thái cũng ký hợp thức danh sách ngắn các nhà thầu nhận bản yêu cầu báo giá, để lùi ngày cho phù hợp với hồ sơ, tài liệu đấu thầu.

Kết quả không ngoài dự kiến, Công ty Giấy Minh Cường Phát đã trúng gói thầu số 7, với giá trị hơn 35 tỷ đồng. Minh đã đưa hối lộ cho Thái 2 tỷ đồng để “cảm ơn” đối với gói thầu này.

Ngoài ra, từ năm 2018 đến 2020, Minh cũng đưa cho Thái 2,9 tỷ đồng để được tạo điều kiện tham dự, trúng các gói thầu giấy in tại NXB Giáo dục. Tổng số 5 gói thầu mà Công ty Giấy Minh Cường Phát trúng thầu có giá trị gần 210 tỷ đồng.

Những túi quà Tết “đầy đặn”

Sau khi ký kết và thực hiện 3 gói thầu cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục, tháng 12/2017, Tô Mỹ Ngọc chuẩn bị 3 tỷ đồng rồi bay từ TP.HCM ra Hà Nội để “cảm ơn” Nguyễn Đức Thái.

Các bị cáo đã gặp nhau tại phòng làm việc của Thái tại trụ sở NXB Giáo dục. Sau khi nhận số tiền trên, ông Thái mở ra kiểm tra rồi cất vào két sắt trong phòng làm việc.

Ngoài ra, đối với các gói thầu từ năm 2018 đến 2021, cơ quan điều tra xác định, không có vi phạm quy định về đấu thầu trong quá trình tổ chức mua sắm, nhưng đã chứng minh hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ giữa cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái và Tô Mỹ Ngọc, Nguyễn Trí Minh, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Ngọc và Minh được tham gia chào giá các gói mua sắm và tiếp tục cung cấp giấy in cho đơn vị này.

Cụ thể, trong 4 năm trên, để được vào “danh sách ngắn”, tham gia các gói thầu cung cấp giấy in, Tô Mỹ Ngọc đều đến gặp, đề nghị và được ông Nguyễn Đức Thái đồng ý cho tiếp tục tham gia chào hàng, cung cấp giấy in.

Thậm chí, sau khi cấp dưới trình danh sách, phải có tên Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy CP của Tô Mỹ Ngọc thì ông Thái mới đồng ý ký duyệt danh sách; hoặc các công ty này phải trúng từ 1 đến 3 gói thầu, thì mới ký duyệt kết quả trúng thầu.

Đổi lại, sau mỗi lần ký kết hợp đồng, cứ cuối năm hoặc đầu năm Dương lịch, Ngọc lại đều đặn mang 1 túi quà với 4 tỷ đồng bên trong (8 cọc, mỗi cọc 10 thếp, mỗi thếp 50 triệu đồng) đựng trong túi quà Tết đến phòng làm việc của ông Thái tại trụ sở NXB Giáo dục.

Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2017 đến 2021, các công ty của Tô Mỹ Ngọc đã trúng 13 gói thầu, gói mua sắm với tổng giá trị lên tới hơn 2.156 tỷ đồng. Bị cáo này và Nguyễn Đức Thái cũng có hành vi đưa, nhận hối lộ tổng số tiền lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, khắc phục hậu quả hơn 47 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Thái nộp 25 tỷ đồng, Tô Mỹ Ngọc nộp 19 tỷ đồng, Nguyễn Trí Minh nộp 2,78 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác