Với thị trường thế giới, qua những vụ việc này sẽ tạo ra một tâm lý chung là lo ngại, ác cảm đối với sản phẩm về cà phê Việt Nam Thứ Trưởng Nam cho hay. |
Chia sẻ với báo chí ngày 18/4, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2017, xuất khẩu cà phê đã đạt 3,2 tỷ USD và con số này trong quý đầu năm nay là gần 1 tỷ USD.
Cà phê được coi là cây trồng chủ lực, có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới
Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam.
“Sự việc một cơ sở chế biến cà phê ở Đắk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án. Với thị trường thế giới, qua những vụ việc này sẽ tạo ra một tâm lý chung là lo ngại, ác cảm đối với sản phẩm về cà phê Việt Nam”, Thứ Trưởng Nam nói.
"Hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để tình trạng này xảy ra”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.