Ngày 19/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã đưa ra phán quyết đối với Nguyễn Thái Luyện (CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) và các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thái Luyện, tuyên y án chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Alibaba |
Theo HĐXX, lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù các tài liệu chứng cứ có trong vụ án và lời khai của các bị hại. Có đủ cơ sở xác định, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.
Nhận thấy nhu cầu lớn từ việc đầu tư bất động sản, bị cáo Luyện cho lập các dự án không có thật để phân lô, các dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Ngoài ra, bị cáo còn hứa hẹn sẽ thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại... Tiếp đó, Luyện còn lên các trang mạng xã hội để tuyên truyền về các hoạt động của Công ty.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới tài sản của người khác. Vì vậy, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, đúng quy định pháp luật.
“HĐXX sơ thẩm đã xem xét mọi tình tiết, hành vi của từng bị cáo. Đồng thời như bản án mà HĐXX cấp sơ thẩm đã nêu, toàn bộ 58 dự án do Alibaba thực hiện là các dự án ma. Bản án sơ thẩm đã xác định đúng người, đúng tội, không oan sai…”, HĐXX phiên phúc thẩm nhận định.
Liên quan đến bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm), HĐXX cho rằng, bị cáo là người phụ trách tài chính, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài chính của công ty. Bị cáo đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi lừa dối, lừa đảo khách hàng… Các bị cáo khác là những người giúp sức tích cực cho Luyện tạo điều kiện cho bị cáo này lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các bị hại…
Tuy nhiên, trong quá trình phúc thẩm, nhiều bị cáo đã tác động gia đình đóng một phần tiền. Trong đó, một người bạn làm ăn của Nguyễn Thái Luyện đã đóng 6,4 tỷ đồng cho Mai và Luyện, để khắc phục hậu quả của vụ án.
Cũng trong quá trình xét xử phúc thẩm, một số đối tượng vừa là bị cáo vừa là bị hại đã xin HĐXX xem xét nguyện vọng được chuyển toàn bộ số tiền đã đầu tư vào Alibaba cho Luyện và Mai sớm khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Mai, xử phạt bị cáo Mai 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 7 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt chung là 23 năm tù, giảm 7 năm so với bản án sơ thẩm.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt chung là 22 năm tù; Xử phạt bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh 16 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo khác cũng được xem xét giảm án giảm một phần mức án.
Về dân sự, buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thị Thanh Mai liên đới bồi thường hơn 2.447 tỷ đồng (tăng 1 tỷ đồng so với sơ thẩm) cho các bị hại.
HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin nhận đất của một số bị hại. Đối với kháng cáo của 31 bị hại đề nghị tăng tiền bồi thường, HĐXX cho rằng không có căn cứ để xem xét nên bác kháng cáo của những bị hại này.
Tiếp tục kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… làm rõ vai trò của các cán bộ trong việc giao đất nông nghiệp không đúng quy định cho Nguyễn Thái Luyện.
Đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM làm rõ việc bị cáo Võ Thị Thanh Mai chuyển số tiền 13 tỷ đồng cho ai để xử lý theo pháp luật.