Chiều 18/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sai phạm liên quan đến việc hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3 và 57 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TPHCM tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện VKS cho rằng, để ký hợp đồng tín dụng 2616 ngày 31/12/2008, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã ký hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng vàng SJC tại Ngân hàng Agribank TP.HCM, và tài sản thế chấp này đã được thực hiện đúng pháp luật.
Cụ thể, hợp đồng có công chứng, số công chứng là số 45316, quyển số 12 tại phòng công chứng số 1, do công chứng viên Nguyễn Quang Thắng thực hiện; có đăng ký giao dịch đảm bảo quyển 67, số đăng ký 013355 (Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM). Hơn nữa sổ đỏ 57 Cao Thắng đang bị Agribank nắm giữ, chưa được giải chấp.
Với những tài liệu trên, VKS khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đã và đang thế chấp đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương tại Agribank TP.HCM, từ năm 2008 đến nay chưa giải chấp. Thực tế không thể phủ nhận được đến tận thời điểm này bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không có sổ đỏ tại 57 Cao Thắng để giao cho nhà nước.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp trong phiên tòa ngày 18/11 |
Ngoài ra, VKS nêu, tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài (người bào chữa cho bị cáo Diệp) yêu cầu VKS đối đáp về nội dung mâu thuẫn lời khai giữa bà Vũ Thị Tuyết Cẩm, với lời khai của ông Nguyễn Trí Hòa (Trưởng Phòng công chứng số 1) về địa điểm ký công chứng tài sản 57 Cao Thắng.
Cụ thể, bà Cẩm khai địa điểm ký hợp đồng công chứng là tại Agribank TP.HCM, còn ông Hòa trình bày ký hợp đồng công chứng tại phòng công chứng.
Về việc này, VKS có quan điểm rằng, việc ghi lời khai của bà tuyết Cẩm là phản ánh nội dung bà Cẩm khai, còn việc đánh giá lời khai bà Cẩm có khách quan thì phải phù hợp với chứng cứ khác. Ngoài lời khai của bà Cẩm khai công chứng tại Agribank TP.HCM, bà Cẩm không đưa ra chứng cứ nào khác để chứng minh lời khai của bà Cẩm là khách quan.
Trong khi đó, lời trình bày của ông Hòa, tài liệu về lời chứng và chữ ký của những người liên quan, trong đó có bà Diệp, tài liệu do phòng công chứng cung cấp đều chứng minh địa điểm công chứng tài sản 57 Cao Thắng là ở phòng công chứng số 1, việc công chứng được thực hiện trước mặt công chứng viên.
“Về lý luận và thực tiễn thì đây mới là thực tiễn khách quan, chứ không phải lời khai của bà Cẩm là khách quan. Tất cả tài liệu đều có trong hồ sơ vụ án và luật sư được xem xét đánh giá”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Về nội dung bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng bị Ngân hàng Agribank lừa, bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS nêu những nội dung này từng đối đáp trong những phiên tòa trước (hồi tháng 3/2021) nên VKS giữ nguyên quan điểm, không đối đáp lại.
Trước đó, ở phiên xử sơ thẩm lần 1, VKS lập luận toàn bộ tài liệu trong vụ án được thu thập đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, được kiểm chứng công khai, khách quan tại tòa.
Các tài liệu gồm giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng thế chấp, biên bản họp hội đồng thành viên, hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ… đều do bị cáo Diệp ký, được giám định theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, những tài liệu này là chứng cứ vật chất, có thật, không bị làm giả.
Trước đó, bào chữa cho bà Diệp, luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Minh Hoàng (cùng Đoàn luật sư TP.HCM) trình bày, các sở, ngành và UBND TP.HCM không yêu cầu Công ty Diệp Bạch Dương cung cấp bản chính chủ quyền 57 Cao Thắng, là xuất phát từ nhận thức của các cá nhân - người có thẩm quyền của các sở, ngành và UBND TPHCM.
Luật sư Phan Trung Hoài dẫn lời khai của ông Lê Hoàng Quân (thời điểm xảy ra vụ án là Chủ tịch UBND TPHCM): Về nguyên nhân, do chủ quan và tin tưởng quá mức vào việc Công ty Diệp Bạch Dương tự khẳng định mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhà đất tại 57 Cao Thắng nên không có đơn vị hay cá nhân nào đề xuất, thực hiện việc kiểm tra, xác minh để xác định điều kiện pháp lý của nhà đất tại 57 Cao Thắng có đủ điều kiện để hoán đổi hay không.
Ban chỉ đạo 09 không có sự phân công cụ thể, rõ ràng, đơn vị nào cũng cho rằng việc kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý đối với nhà đất tại 57 Cao Thắng thuộc trách nhiệm của đơn vị khác, không thuộc chức năng của mình dẫn đến không có đơn vị nào làm.
Theo luật sư Phan Trung Hoài phân tích, nếu coi việc bà Diệp thế chấp tài sản 57 Cao Thắng có đăng ký với Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM), theo hồ sơ vụ án thì việc thế chấp này (nếu có) là công khai và hoàn toàn kiểm tra được thông tin này.
Cơ quan phê duyệt việc hoán đổi nhà đất là UBND TP.HCM cùng sự tham mưu của các sở, ban, ngành giúp việc trong đó có Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng… hoàn toàn nắm, biết được việc tài sản 57 Cao Thắng có thế chấp hay không.
“Không có bất kỳ đơn vị, cá nhân nào yêu cầu bà Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương cung cấp tài liệu hoặc giải thích về tính pháp lý đối với quyền sở hữu nhà 57 Cao Thắng. Do vậy, trong quá trình thực hiện hoán đổi, các cơ quan, sở, ban, ngành này không kiểm tra, không hỏi bà Diệp thì hành vi không cung cấp thông tin này không thể bị coi là hành vi gian dối, không thể quy buộc rằng việc bà Diệp không cung cấp thông tin thế chấp là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được”, Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa.