- Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung
- Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 2: “Độc chiêu” thao túng công quyền
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 3: Giải mã tham nhũng đất công
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 4: Chặt đứt, chặn đứng tham nhũng
Ông Nguyễn Đức Chung trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tạm đình chỉ cả cán bộ Bộ Chính trị quản lý
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Chính phủ cho biết các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉnh theo đúng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/20219/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
Con số đáng chú ý khác là trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Một điểm mới của báo cáo năm nay là có riêng một phần về kết quả kiểm soát xung đột lợi ích.
Chính phủ nhận định, các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.
Theo báo cáo, công tác kiểm soát xung đột lợi ích đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện theo quy định. Việc giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ không để xảy ra việc xung đột lợi ích. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích đã chủ động báo cáo để người có thẩm quyền kịp thời có biện pháp xử lý. Trong kỳ báo cáo, 2 người bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.
Một nội dung năm nào cũng xuất hiện tại báo cáo là nộp lại quà tặng. Việc này, năm nay đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, theo báo cáo. Kết quả, năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng (cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại) trị giá 31,8 triệu đồng.
Kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn đang chờ hướng dẫn
Bên cạnh kết quả đạt được, không ít khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng được Chính phủ nêu.
Đáng chú ý, theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019, nhưng do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành nên việc kê khai tài sản, thu nhập theo Luật này chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, Chính phủ cho biết,.việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sự chậm trễ này cũng được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ) nhìn nhận là một hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.
Cũng theo đánh giá của Chính phủ thì việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực, sức chiến đấu của một số cơ quan, tổ chức đơn vị còn hạn chế, chưa đủ sức để tự phát hiện tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ quan quản lý nhà nước chưa phát huy, chưa quan tâm đúng mức tới công tác kiểm tra và tự kiểm tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng. Việc đấu tranh tự phê bình, phê bình và tính tiên phong ở một số cán bộ, đảng viên còn yếu, chưa thật sự gương mẫu trong công tác phòng chống tham nhũng.
"Tình trạng này dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân" - báo cáo nêu rõ.
Một hạn chế nữa là mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh.
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 388 vụ với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong số 523 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 2 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 65 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 100 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 321 bị cáo (trong đó xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 119 bị cáo, chiếm 22.7%, tăng 5.5% so với cùng kỳ năm trước),