Lực bán call margin lan sang cổ phiếu cơ bản
Thêm một cú sập mạnh ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 18/4, VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%) xuống 1.432,6 điểm. HNX-Index thậm chí rơi sâu hơn, bốc hơi 3,26% xuống 403,12 điểm. UPCoM-Index giảm 2,15 điểm (-1,91%) xuống 110,21 điểm.
Sắc đỏ lan rộng trên thị trường. Với quy mô vốn hoá chiếm tới khoảng 30% toàn thị trường, dòng ngân hàng lại là “tội đồ” khi đều là các yếu tố chính kéo VN-Index giảm sâu. VCB giảm 3,12% và góp 2,94 điểm giảm. CTG và VPB thậm chí còn rơi mạnh hơn, lần lượt 5,81% và 4,81%. Sắc đỏ phủ rộng ở nhóm bất động sản, thép, chứng khoán, ngay cả những cổ phiếu đầu ngành cho đến nhóm vốn hoá vừa và nhỏ đều không thoát khỏi xu hướng chung.
Vốn hoá thị trường sàn HoSE “bốc hơi” 102.730 tỷ đồng trong một ngày. Chỉ sau vỏn vẹn 3 phiên gần đây, quy mô vốn hoá đã giảm gần 176.000 tỷ đồng. Nhìn rộng ra, sau các phiên giảm kèm một số nhịp hồi, vốn hoá sàn HoSE đã giảm tổng cộng 250.593 tỷ đồng kể từ ngày 29/3 khi lệnh khởi tố bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội “thao túng thị trường chứng khoán” và sau đó tròn một tuần là lệnh khởi tố Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến hoạt động huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Thống kê của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy gần 80 cổ phiếu đã giảm giá trên 30% từ cuối tháng 3 tới nay. Cổ phiếu FLC Faros giảm 43% giá trị, FLC giảm 39%, vốn hoá của Chứng khoán BOS (ART) giảm 37%. HQC – một cổ phiếu đầu cơ vừa đi qua giai đoạn tăng nóng cũng quay đầu bốc hơi giảm 37% từ phiên 29/3.
Dòng tiền tìm về các cổ phiếu cơ bản, thanh khoản nhóm VN30 chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Giá nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn tăng và trở thành trụ đỡ cho thị trường. Nhưng ở phiên hôm qua, ngay cả các trụ cột vững chắc cũng “đổ gục” bất chấp thị trường không có thêm thông tin tiêu cực mới. Giá nhiều cổ phiếu nhà băng, bất động sản, chứng khoán, thép quay đầu giảm, xoá bỏ thành quả hồi phục trước đó.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, cú rơi phiên 18/4 có nguyên nhân từ tình trạng giải chấp magin, ảnh hưởng từ đà giảm của hai phiên liền trước. Thanh khoản thấp ở thời điểm đầu phiên là một yếu tố kích thích các công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp để đảm bảo nghiệp vụ quản lý rủi ro. Từ các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giảm mạnh thời gian vừa qua, mức độ ảnh hưởng đã lan sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo ông Minh, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép là hai nhóm thường bị “vạ lây” trong trường hợp các cổ phiếu bị bán giải chấp vẫn chưa thể thu hồi đủ lượng tiền cần thiết. Bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng hay thép thường xuyên được cấp margin hết hạn mức và cũng thường nằm trong danh mục tài sản của các nhà đầu tư.
Hòn tuyết sẽ sớm ngừng lăn?
Thêm vào đó, tâm lý của nhà đầu tư trong tuần đáo hạn phái sinh cũng có thể là một nguyên nhân tác động cộng hưởng trong phiên rơi sâu. Ghi nhận từ đầu năm, chỉ số chứng khoán Việt Nam thường giảm mạnh (khoảng dưới 2%) trong phiên đầu tuần đáo hạn phái sinh sau đó phục hồi dần trước phiên đáo hạn (Thứ năm lần thứ ba trong tháng).
Dự báo về các phiên sắp tới, ông Minh cho rằng, vùng 1.420 – 1.430 hiện nay vẫn được xem là một trong những vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index và chưa thể xuyên thủng trong giai đoạn hiện tại.
Cùng đó, có thể thấy các nhóm cổ phiếu đã có mức chiết khấu rất cao thì đây có thể là một vùng tương đối khá hấp dẫn. Dù thị trường đã có giai đoạn hồi phục hồi tháng 2, nhưng hiện đã rơi vào mức hấp dẫn. Định giá của VN-Index cũng đang hấp dẫn trở lại. Yếu tố thứ ba theo ông Minh còn ở tâm lý giao dịch trong tuần đáo hạn phái sinh, lặp lại khá nhiều lần xét theo thống kê thời gian gần đây, có thể giúp chỉ số chung hồi phục sau phiên rơi sâu đầu tuần.
Ngoài ra, theo Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, dòng tiền đang có sự phân hóa. Nhiều nhóm cổ phiếu vẫn đang giao dịch tích cực bất chấp thị trường chung sụt giảm như nhóm cổ phiếu hóa chất, bán lẻ, công nghệ, thuỷ sản, dệt may… Giá cổ phiếu các dòng này vẫn tăng và thu hút được dòng tiền.
Ông Minh cho rằng, có nhiều điểm chung giữa thị trường giai đoạn hiện tại và năm 2019. Thị trường bị tác động bởi nhiều các yếu tố ngắn hạn như chiến tranh địa chính trị hay yếu tố tác động dài hơn là xu hướng tăng lãi suất trở lại của Cục dự trữ liên bang Mỹ.
“Thị trường chứng khoán trong năm nay có khả năng sẽ đi ngang với biên độ lớn (+/-10%), nhưng sẽ khó xuyên thủng ngưỡng 1.420-1.430 điểm. Vẫn sẽ có nhóm cổ phiếu tiếp tục hút tiền và nhóm cổ phiếu yếu thì vẫn tiếp tục giao dịch tiêu cực”, ông Minh bình luận.