- Tổng quan về vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
- Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
- Sẽ thí điểm xây dựng một số khu kinh tế qua biên giới vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
- Tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Ảnh: Đức Trung |
Những cơ hội mới bắt đầu được kiến tạo
Là chương trình nghị sự cuối cùng của Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và xúc tiến đầu tư Vùng, song Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước gần như lại là phần quan trọng nhất, được rất nhiều người mong đợi.
Bởi lẽ, một khi các thỏa thuận được ký kết thì có nghĩa, những cơ hội mới đã bắt đầu được kiến tạo. Dù giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã dành tới 221.900 tỷ đồng (tương đương 9,6 tỷ USD) của vốn Kế hoạch Đầu tư công trung hạn cho các tỉnh Vùng Trung thu và miền núi Bắc Bộ, cao hơn 2 tỷ USD so với giai đoạn trước, song nếu không có đầu tư từ tư nhân trong và ngoài nước, thì kinh tế Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ thiếu đi luồng sinh khí quan trọng để tạo động lực phát triển.
Rất nhiều dự án đã được trao, với quy mô rất lớn. Chẳng hạn, dự án mở rộng đầu tư thêm 2.227 tỷ đồng của Công ty JA Solar Investment (Hồng Kông) tại Bắc Giang, hay hai dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại Điện Biên của Công ty cổ phần Liên Việt Mường Chà và Công ty cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên.
Riêng tại Hà Giang có 6 dự án đầu tư, Hòa Bình có 2, với tổng quy mô của các dự án này lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Lạng Sơn có hai dự án, nhưng cũng có quy mô khá lớn, trong đó Dự án điện gió BayWa r.e. Wind Projects Việt Nam là hơn 8.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã lên trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án. Một dự án khác đã được ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, nhưng là dự án rất quan trọng: hợp tác đầu tư giai đoạn II, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai…
Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu, Lạng Sơn… cũng thế, với hàng ngàn tỷ đồng đã được cam kết đầu tư. Trong đó, ở Lai Châu, đáng chú ý có việc ký biên bản ghi nhớ đầu tư Cụm cảng hàng không Lai Châu. Đây là dự án mang tính trọng điểm, chiến lược của tỉnh này.
Gắn với mỗi đồng vốn đó, gắn với mỗi dự án là cơ hội phát triển của mỗi địa phương, mỗi người dân Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nơi vẫn đang là “vùng trũng” của cả nước.
Không chỉ các nhà đầu tư tư nhân, mà các đối tác phát triển, từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều đã cam kết đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các chương trình phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài cũng tương tự.
“Có nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Việc hợp tác với các công ty Hàn Quốc có thể mang lại hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực như khai thác tài nguyên kim loại hiếm, chế biến và xuất khẩu lâm, nông sản, đầu tư sản xuất, thương mại dịch vụ... ở khu vực giáp với Trung Quốc”, ông Lee Jong Seob, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Tổng giám đốc Văn phòng KOTRA Hà Nội nói.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU), Biên bản hợp tác (MOC) và Thư bày tỏ quan tâm tài trợ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển về cung cấp tài chính cho các dự án Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Bài toán “gỡ nút thắt phát triển”
Cơ hội đã bắt đầu được kiến tạo, nhưng để cơ hội thành hiện thực, thì cần nhất là phải làm sao gỡ được nút thắt phát triển Vùng. Các nút thắt phát triển lớn nhất đối với Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn được nhắc tới lâu nay là thể chế, chính sách liên kết vùng và hạ tầng cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã nhấn mạnh việc cần tìm ra những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để vừa “tạo thêm”, vừa “tạo mới” động lực để “phẳng hóa vùng trũng”, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
“Cần đổi mới tư duy liên kết vùng. Trong bối cảnh mới, các địa phương cần xác định ‘tư duy liên kết’ chính là bộ phận không thể tách rời của ‘tư duy phát triển’; liên kết là phát triển và muốn phát triển phải liên kết”, ông Đặng Xuân Phong nói và cho rằng, mỗi địa phương là một mắt xích, một mắt xích riêng lẻ rất yếu, nhưng khi liên kết lại sẽ trở thành một sợi dây xích khỏe, đủ sức vận hành cả cỗ máy.
“Liên kết giúp các địa phương còn chậm phát triển trong Vùng bắt kịp nhịp phát triển cũng như tạo ra sức mạnh tổng hợp ứng phó với những vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu”, ông Đặng Xuân Phong nói.
Trong khi đó, lấy dẫn chứng về câu chuyện phát triển tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, kể từ khi được thông xe vào tháng 9/2014, thời gian di chuyển đã rút ngắn từ hơn 10 tiếng xuống còn 4 tiếng. Không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, mà còn giảm đáng kể chi phí vận tải (giảm 20 - 30%), trong khi lượng hàng hóa và hành khách lưu thông trên tuyến hành lang này đã gia tăng đáng kể, góp phần quan trọng giúp nhiều địa phương trong vùng phát triển kinh tế.
Chẳng hạn, Lào Cai đã tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 360 USD/người trong năm 2008 lên tới 1.939 USD/người trong năm 2016; tăng gấp 5 lần. Vĩnh Phúc tăng từ 890 USD lên 3.185 USD, tăng 3,5 lần. Phú Thọ tăng gấp ba, từ 420 USD lên tới 1.341 USD. Yên Bái tăng từ 360 USD lên 1.228 USD, bằng 3,4 lần. Tỷ lệ nghèo chung của vùng đã giảm từ 51,9% trong năm 2004 xuống còn 15% vào năm 2016.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập và việc làm trong Vùng cũng đã tăng trung bình 128% so với mục tiêu là 70%. Kim ngạch thương mại xuyên biên giới đã tăng từ 477 triệu USD năm 2006 lên tới hơn 800 triệu USD năm 2016.
“Tất cả sự tăng trưởng này là nhờ rất nhiều yếu tố có liên quan với nhau. Nhưng tuyến đường cao tốc có vai trò xúc tác và là ví dụ về việc tạo ra hoặc cải thiện một hành lang giao thông - nhưng với tầm nhìn rộng hơn của Chính phủ - để tạo ra một hành lang giao thông giúp phát triển một hành lang kinh tế”, ông Andrew Jeffries nói.
Giao thông là nút thắt, nhưng đồng thời cũng là các động lực phát triển. Từ liên kết về giao thông sẽ tạo động lực lan tỏa, kích thích kinh tế của Vùng phát triển, thúc đẩy liên kết các khu vực động lực, các chuỗi liên kết sản phẩm và chuỗi liên kết kinh tế có quy mô cấp vùng.
Để gỡ các nút thắt phát triển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần chia sẻ rằng, phải bắt đầu bằng việc sớm hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch Phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển các hành lang kinh tế gắn với Hà Nội và Vùng Đồng bằng sông Hồng; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của Vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Vùng Thủ đô...
Đây chính là các nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện Chương trình chính là bắt đầu mở ra lộ trình mới cho quá trình phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Và lộ trình ấy sẽ bắt đầu từ việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối, cũng như thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi lộ trình mới bắt đầu, thì cũng là lúc các cơ hội mới cho sự phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được kiến tạo.
Trên cơ sở tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển dài hạn của Vùng, với kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc dân tộc trong Vùng. Khi đó, các dự án đã được trao chứng nhận đầu tư, cam kết đầu tư, biên bản ghi nhớ tại Hội nghị mới sớm được hiện thực hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, cùng với các tiềm năng, cơ hội và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong Vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới, đạt được mục tiêu phát triển xanh, bền vững và toàn diện trong thời kỳ tới, người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thứ nhất, phải tập trung cho công tác chống dịch, đầu tư cho hệ thống y tế.
Thứ hai, phải tập trung cho công tác quy hoạch vùng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải tập trung làm. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Thứ ba, tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công, để có thể phát triển hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó có đầu tư cho sân bay.
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính