Quốc tế
Vương quốc Anh chi 1,2 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn
Đông Phong - 19/05/2023 15:29
Với khoản đầu tư 1 tỷ bảng Anh (1,24 tỷ USD), Vương quốc Anh tập trung nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn trong nước và ngăn chặn rủi ro gián đoạn nguồn cung.
Khoảng 95% điện thoại thông minh trên thế giới sử dụng chip do hãng thiết kế chip Arm của Vương quốc Anh cấp quyền. Ảnh: Reuters

Tập trung vào những thế mạnh hiện có

Trước thời điểm công bố kế hoạch đầu tư, các nhà lập pháp Anh đã chỉ trích việc thiếu một chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của chính phủ sẽ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của đất nước.

Kế hoạch đầu tư trên sẽ được công bố vào cuối ngày 19/5. Nó là một phần của chiến lược 20 năm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Anh. Mục tiêu đề ra là đảm bảo nguồn cung chip bán dẫn và phòng vệ trước các rủi ro an ninh quốc gia.

Trong chiến lược, Anh đề ra một loạt biện pháp nhằm phát triển sản xuất chip nội địa, giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Anh cũng sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế. Tuần này, Anh đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản về việc tăng cường hợp tác quốc phòng và chất bán dẫn.

Trước mắt, chính phủ Anh sẽ đầu tư khoảng 200 triệu bảng trong giai đoạn 2023 - 2025 trước khi nâng lên 1 tỷ bảng trong thập niên tới. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để cải thiện hệ thống nhân tài và khả năng tiếp cận khuôn mẫu, thiết bị và hỗ trợ kinh doanh chất bán dẫn.

"Các chất bán dẫn làm nền tảng của các thiết bị mà chúng ta sử dụng hàng ngày và sẽ rất quan trọng để thúc đẩy các công nghệ của tương lai này", Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu trong một tuyên bố.

"Chiến lược mới tập trung nỗ lực vào những thế mạnh của chúng tôi, trong các lĩnh vực như nghiên cứu và thiết kế, để có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình trên trường toàn cầu", Thủ tướng Rishi Sunak cho biết.

"Bằng cách nâng cao năng lực và khả năng phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới của chúng tôi, chúng tôi sẽ phát triển nền kinh tế của mình, tạo ra việc làm mới và đi đầu trong các đột phá công nghệ mới", Thủ tướng Anh nhận định.

Theo chính phủ Anh, để ngăn chặn gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn trong tương lai, cần có định hướng mới cho các công ty và lưu ý họ về những rủi ro từ cú sốc nguồn cung.

Anh đã thành lập một ban cố vấn, bao gồm các nhân vật có tiếng trong ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ và cơ sở đào tạo để hợp tác triển khai thực hiện các giải pháp và công tác chung.

Ông Scott White, nhà sáng lập hãng chip Pragmatic Semiconductor của Anh, cho rằng khoản cam kết hỗ trợ trị giá 1 tỷ bảng của chính phủ Anh, mặc dù thấp hơn với các gói hỗ trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu, nhưng "vẫn là một con số phù hợp" mà ngành công nghiệp bán dẫn Anh cần.

Tuy nhiên, ông Scott White lưu ý, khoản hỗ trợ 1 tỷ bảng Anh cần phải được "thực hiện đúng cách".

Phát biểu trên đài CNBC đầu tuần này, ông Scott White nhận xét: "Nếu gói hỗ trợ chỉ là một dạng gói ghém những thứ còn tồn tại, thì nó sẽ không đặc biệt hữu ích".

Anh ở đâu trên bản đồ công nghiệp bán dẫn?

Thay vì đưa ra các gói hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ và Liên minh châu Âu, Anh có cách tiếp cận khác nhằm thúc đẩy các phân khúc mà nước này có lợi thế hơn.

Các quan chức Anh nhận thấy sẽ không hợp lý nếu nước này xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn lớn của riêng mình, chẳng hạn như các nhà máy sản xuất chip tối tân của hãng sản xuất chip Đài Loan TSMC.

Đổi lại, Anh tập trung vào các mảng miếng khác trong chuỗi cung ứng, đơn cử như sở hữu trí tuệ, thiết kế, và sản xuất chip không silicon.

Anh là quốc gia ít được đánh giá cao trên thị trường chip bán dẫn toàn cầu. Ngành công nghiệp chất bán dẫn của nước này tập trung chủ yếu về thiết kế, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu và chế tạo chất bán dẫn hỗn hợp tiên tiến.

Anh có lợi thế về thiết kế chip, với khoảng 95% điện thoại thông minh trên thế giới đang sử dụng chip do hãng thiết kế chip Arm cấp quyền.

Quốc gia này cũng được biết đến với vị thế phát triển các tấm bán dẫn mỏng làm từ graphene - vật liệu được làm từ carbon nguyên chất.

Chất bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Á. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã cho thấy thế giới phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất chip bán dẫn và linh kiện bán dẫn từ Đài Loan và Trung Quốc.

Đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 đã khiến các nhà sản xuất ô tô và công ty điện tử lao đao. Đa dạng chuỗi cung ứng vẫn là một vấn đề hóc búa đối với nhiều nước trên thế giới.

"Ông lớn" của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan TSMC cho đến nay vẫn giữ ngôi vị nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới. Năng lực sản xuất chip của TSMC là thứ mà nhiều quốc gia phương Tây đang thèm khát, trong bối cảnh họ đang triển khai thực hiện các biện pháp để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS với khoản chi tiêu 280 tỷ USD, trong đó 52 tỷ USD dành cho mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Còn tại EU, khối này đã phê duyệt khoản chi 43 tỷ EUR (tương đương 45,9 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn và đặt mục tiêu sản lượng chiếm 20% sản lượng thế giới vào năm 2030.

Tin liên quan
Tin khác