Thị trường tiếp tục có sắc xanh khi bước vào phiên giao dịch mới và giúp VN-Index bước qua ngưỡng 1.130 điểm. Tuy nhiên, diễn biến này không được duy trì lâu và thị trường dần lùi bước trở lại sau đó.
Kết phiên VN-Index giảm 13.43 điểm (-1,19%) về mức 1.114,20 điểm. HNX-Index giảm 3,29 điểm (-1,42%) về 228,42 điểm. Độ rộng trên 02 sàn niêm yết tiêu cực, áp lực bán áp đảo khi có 561 mã giảm giá (07 mã giảm sàn), 139 mã tăng giá (11 mã tăng trần) và 133 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 20.709,38 tỷ đồng được giao dịch, tăng mạnh 33,75% so với phiên trước, vượt mức trung bình thể hiện áp lực bán khá mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Thị trường đón nhận thông tin ngày 12/12/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng. CPI tháng 11 của Mỹ đã tăng 0,1% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,3% trong tháng 11 và 4% so với tháng 11/2022. Cả hai kết quả này đều trùng với dự đoán và cũng ít thay đổi so với tháng 10.
Thị trường phản ứng nhẹ với thông tin trên trong đầu phiên và áp lực bán gia tăng mạnh hơn khi hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh. Nhóm VN30 giảm 14,38 điểm (-1,28%), đóng cửa tại 1.106,83 điểm. Trong nhóm, chỉ có 3 mã đóng cửa với sắc xanh, đó là BVH (+1%), VJC (+0,5%), HDB (+0,3%). Ngược lại, có đến 27 mã giảm giá như VRE (-2,7%), PLX (-2,1%), HPG (-2,1%), TPB (-2%), STB (-2%) ...
Nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực bán khá mạnh với diễn biến giá dầu suy giảm trong thời gian qua, đa số bị bán mạnh, thanh khoản gia tăng kém tích cực như PVS (-3,81%), PVB (-3,70%), PVD (-3,68%), PVC (-3,18%), PVT (-3,18%)...
Các cổ phiếu nhóm bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản ở mức trung bình với NVL (-3,95%), CEO (-3,36%), NHA (-3,12%), NDN (-3,00%)..., các cổ phiếu khu công nghiệp cũng có diễn biến tương tự, thanh khoản vượt mức trung bình với DTD (-4,65%), TIP (-3,73%), VGC (-2,88%), VGC (-2,88%)...
Nhóm cổ phiếu thủy sản sau nhịp tăng giá tốt cũng chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản gia tăng như IDI (-3,66%), ANV (-3,28%), CMX (-3,11%), ASM (-2,90%)...
Trong khi đó các cổ phiếu nhóm ngân hàng phân hóa, tiếp tục có diễn biến kém tích cực, đa số điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình với TPB (-2,02%), STB (-1,96%), NVB (-1,87%), OCB (-1,80%).... ngoài các mã tăng giá nhẹ như ABB (+1,30%), BVB (+0,95%), HDB (+0,27%)...
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 906,7 tỷ đồng. Trong đó, họ bán mạnh tại VNM (-130 tỷ), FUEVFVND (-114,5 tỷ), STB (-81,9 tỷ), HPG (-64,9 tỷ), VHM (-46,7 tỷ) … Ở chiều ngược lại, họ mua nhiều tại VCB (+31,4 tỷ), VHC (+23,9 tỷ), BCM (+20,8 tỷ), VJC (+18,4 tỷ), HDG (+7,5 tỷ) …
Sau nhiều phiên nâng đỡ, thị trường vẫn vượt ngưỡng 1.130 điểm của VN-Index bất thành và giảm điểm trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung gia tăng và chủ động hơn, trong khi dòng tiền vẫn còn thận trọng ở vùng gần 1.130 điểm. Tín hiệu đảo chiều hiện tại đã tạo ra rủi ro ngắn hạn cho thị trường, khiến cho khả năng vượt ngưỡng 1.130 điểm giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại thị trường vẫn đang được hỗ trợ gần vùng 1.110 điểm mặc dù áp lực bán khối ngoại lớn.