Gói tài trợ của IFC – khoản đầu tư đầu tiên vào ngành kho vận của Việt Nam được thực hiện đúng vào thời điểm khan hiếm các nguồn tài trợ dài hạn do tác động của đại dịch Covid-19.
Khoản vay này được kỳ vọng giúp ITL Corp phát triển kho bãi, cơ sở vật chất mới và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin.
“Gói tài trợ dài hạn cùng chuyên môn quốc tế của IFC, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, là hỗ trợ rất có giá trị. Chắc chắn sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống kho vận hiện tại cũng như mở rộng mạng lưới và danh mục kinh doanh” ông Ben Anh, Tổng Giám đốc ITL Corp nói.
2020 là năm kỷ niệm 20 năm thành lập, phát triển của ITL (Ảnh minh hoạ: ITL). |
Từng chia sẻ trên truyền thông, bà Amanda Rasmussen, Giám đốc vận hành Tập đoàn ITL, Chủ tịch AmCham TP.HCM cho biết, năm nay tập đoàn sẽ có khoản đầu tư 70 triệu USD cho hoạt động M&A, với mục tiêu tăng cường vị thế của ITL dưới cương vị công ty dẫn đầu tại thị trường Việt Nam và Đông Dương.
Doanh nghiệp này hiện là 1 trong 2 cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam - Sotrans với tỷ lệ sở hữu 41,78% và có thể sẽ tăng lên 100% khi hồi tháng 03/2020, Sotrans công bố tờ trình về việc cho phép ITL tăng tỷ lệ sở hữu tối đa mà không cần thực hiện chào mua công khai.
Trong khi đó, cổ đông lớn nhất, sở hữu 54,8% vốn Sotrans là Công ty TNHH Gelex Logistic - công ty con của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).
Như vậy, Indo Trần có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans bằng cách mua trực tiếp cổ phần đang được sở hữu bởi các cổ đông hiện hữu, trong đó có Gelex.
Ngành kho vận Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng từ 14 - 16%/năm, một phần nhờ vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục, chủ yếu trong ngành sản xuất và chế biến.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đánh giá, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng ngành logistics vẫn kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,56%/năm từ nay đến năm 2022, với doanh thu hơn 113 tỷ USD vào năm 2022.
Dù vậy, IFC cho rằng, ngành kho vận tại Việt Nam hiện còn phân tán với trên 95% số đơn vị cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phạm vi hoạt động khiêm tốn và năng lực cạnh tranh chưa cao.
Chi phí kho vận cao (chiếm gần 21% GDP cả nước) làm tăng chi phí kinh doanh chung và ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.