WinMart/WinMart+ sẽ khai trương hơn 100 điểm bán mới chỉ trong tháng 4/2022 |
Theo một khảo sát của CBRE với hơn 150 nhà bán lẻ trong khu vực châu Á cho thấy, 65% doanh nghiệp nhắm đến mục tiêu mở rộng mạng lưới điểm bán vật lý trong năm 2022. Trong đó, các nhà bán lẻ tại Trung Quốc và Ấn Độ là những người tỏ ra lạc quan nhất vì 90% các doanh nghiệp bán lẻ ở những quốc gia này hướng đến việc mở rộng quy mô trong năm tới.
Trái ngược với thị trường khu vực, không phải nhà bán lẻ Việt Nam nào cũng tỏ ra lạc quan trong chiến lược mở rộng quy mô. Thị trường chứng kiến hai xu hướng trái ngược. Trong khi nhiều nhà bán lẻ công bố tạm ngưng mở mới để củng cố nền tảng vận hành thì chiều ngược lại, các doanh nghiệp giàu tiềm năng liên tục khai trương nhiều điểm bán mới. WinCommerce (WCM - đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ với gần 2.800 siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc) của hướng thứ hai.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, vẫn có 387 cửa hàng WinMart+ được mở mới. Trong đó, có 285 cửa hàng WinMart+ được khai trương chỉ trong quý IV/2021. Đặc biệt, theo một lãnh đạo của WinCommerce, riêng trong tháng 4 này, doanh nghiệp sẽ mở mới 100 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart. WinCommerce kỳ vọng, quy mô chuỗi sẽ đạt hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị trong năm 2022.
Nhìn vào chặng đường 2 năm sáp nhập vào Masan, có thể thấy không phải ngẫu nhiên WCM chọn năm 2022 là năm tăng tốc mở rộng quy mô. Đây là bước đi được nhà bán lẻ này tính toán kỹ lưỡng sau khi tìm được tái cấu trúc thành công và tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả.
Giai đoạn đầu tiếp quản lại WinCommerce, Masan tập trung tái cấu trúc toàn diện, cải thiện hiệu quả hoạt động của WinMart/WinMart+. Chiến lược này đã mang về “trái ngọt” khi EBITDA của WCM được cải thiện liên tục trong cả năm 2021, giúp công ty đạt lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2021. Từ một chuỗi bán lẻ lỗ gần 20.000 tỷ trong 5 năm dưới thời Vingroup, Masan đã giảm khoản lỗ của WinCommerce chỉ còn 1.400 tỷ đồng trong năm 2021. Điều này cố mục tiêu của Masan sở hữu chuỗi bán lẻ có lợi nhuận vào năm 2022 theo đúng chiến lược đã đề ra.
Chiến lược tái cấu trúc WCM còn nổi bật với việc ra mắt mô hình bán lẻ mini-mall tích hợp đa tiện ích. Tại các siêu thị và cửa hàng mini-mall, khách hàng có thể mua nhu yếu phẩm (WinMart/WinMart+), thưởng thức trà và cà phê (Phúc Long), giao dịch tài chính (Techcombank), sử dụng các dịch vụ viễn thông (Mobicast)... Đồng thời, tập đoàn này cũng đẩy mạnh tích hợp bán lẻ offline to online (O2O), mang đến trải nghiệm mua sắm vượt trội cho khách hàng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến. Theo giới chuyên gia, mini-mall và O2O là quân át chủ bài của Masan trong mục tiêu xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Kế hoạch mở rộng quy mô WCM càng khả quan hơn khi cuối năm 2021, nhà bán lẻ này chính thức phát triển mô hình nhượng quyền WinMart+.
TS. Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương nhận định, “WinMart+ đã có thương hiệu và uy tín nhất định, việc nhượng quyền sẽ giúp WinCommmerce nhanh chóng tạo ra một mạng lưới rộng hơn. Hơn nữa, Masan (công ty mẹ của WinCommerce) đã có kinh nghiệm quản trị một tập đoàn lớn, có thành tựu nhất định trong quá trình chuyển đổi số, tích hợp bán hàng đa kênh, có mạng lưới cung ứng bán hàng rộng khắp gắn với tiêu chí chất lượng tốt.
Sau 2 năm về tay Masan, WCM giữ vững “phong độ” là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam về số lượng điểm bán. Với kế hoạch mở mới trong năm 2022, khó có nhà bán lẻ nào có thể vượt qua WCM về quy mô. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, đây là một dấu hiệu tích cực khi cán cân thị phần có xu hướng nghiêng về phía các doanh nghiệp nội địa. Là hệ thống bán lẻ của người Việt, WCM luôn duy trì tỷ lệ hàng Việt đạt hơn 90% trong hệ thống WinMart/WinMart+, đây sẽ sân chơi lớn và công bằng để các nhà sản xuất Việt Nam đưa các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.