Thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này nhận được được một số thông tin từ 5 công ty, đơn vị như TNHH AstraZeneca Việt Nam; TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Les Laboratoires Servier tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte., Ltd, liên quan việc phát hiện một số lô thuốc giả nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc.
Bộ Y tế yêu cầu xác minh một số thuốc giả, nghi giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng tại Trung tâm bán buôn thuốc Hapulico (Hà Nội) và nhà thuốc trong Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. |
Cơ quan này đề nghị Sở Y tế Hà Nội tập trung xác minh một số thuốc giả, nghi ngờ giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng tại Trung tâm bán buôn thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và thuốc mua tại nhà thuốc để sử dụng trong Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Các loại thuốc bị nghi ngờ là TobraDex, hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml, ghi nhãn số lô: 22C10HB, ngày hết hạn/EXP: 10/3/2024, ngày sản xuất/MFD: 10/03/2022; số lô: 22B16LA, ngày hết hạn/EXP: 16/2/2024, ngày sản xuất/MFD: 16/2/2022. Đây là thuốc nhỏ mắt.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn;
Đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 thành phố...), tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.
Trung tâm kiểm nghiệm cần tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng...
Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng phát cảnh báo về thuốc kháng sinh Cephalexin 500 giả xuất hiện trên thị trường, yêu cầu truy tìm nguồn gốc, xử lý vi phạm.
Theo đó, ngày 10/3, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn như sau: Viên nang cứng Cephalexin 500 (cephalexin monohydrat tương ứng với cephalexin khan 500mg), số lô 04310322, ngày sản xuất 31/3/22, hạn dùng 31/2/25, VD-25166-17.
Mẫu do Trung tâm Kiểm nghiệm Vĩnh Long lấy tại nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính USP 43.
Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu cấp phép lưu hành thuốc của Cục Quản lý Dược, không có sản phẩm thuốc nào đã được cấp phép lưu hành có các thông tin nêu trên.
Vì vậy, cơ quan này yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Long khẩn trương phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan, thanh tra, kiểm tra Nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh, truy tìm nguồn gốc của lô hàng nêu trên, xử lý cơ sở vi phạm theo quy định.
Các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Thuốc Cephalexin 500mg là thuốc kê đơn, được chỉ định để điều trị nhiễm trùng tiết niệu, viêm amidan, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng đường sinh dục.
Cũng liên quan tới thuốc giả, vừa qua Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long) khuyến cáo rộng rãi đến người tiêu dùng cẩn trọng, tránh mua nhầm thuốc kháng sinh Cephalexin 500 giả trên thị trường.
Đại diện Ban Lãnh đạo Dược Cửu Long nhấn mạnh, đối với bất cứ dấu hiệu làm giả, làm nhái sản phẩm, Dược Cửu Long luôn bày tỏ quan điểm và hành động kiên quyết, không khoan nhượng nhằm loại bỏ các hành vi đáng lên án này khỏi thị trường, bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng.
Dược Cửu Long cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các hành vi làm hàng giả, đồng thời truy cứu trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi này gây thiệt hại về vật chất, uy tín của Công ty và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân khi sử dụng phải hàng giả.
Từ sự việc này, Dược Cửu Long khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ bao bì và nguồn gốc của sản phẩm trước khi sử dụng.
Đặc biệt, để tránh việc mua hàng giả, người tiêu dùng cần chú ý mua sản phẩm tại các chi nhánh/đại lý/ nhà phân phối chính thức của công ty hoặc tại các cơ sở y tế uy tín, cung cấp đầy đủ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng từ, hóa đơn hợp lệ để đảm bảo mua đúng sản phẩm đạt tiểu chuẩn chất lượng như đã đăng ký với cơ quan quản lý.
"Trường hợp phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người tiêu dùng nên liên hệ với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng để phản ánh kịp thời, góp phần ngăn chặn các hành vi phạm pháp", doanh nghiệp này khẳng định.