Hiện có trên 2.760 cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex. |
Năm 2023, Petrolimex xây dựng các phương án nhập khẩu lượng hàng thay thế trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đều có kế hoạch bảo dưỡng lớn (dự kiến dừng hoạt động gần 2 tháng, cắt giảm sản lượng), đảm bảo bù đắp nguồn cung cho thị trường.
Thông tin trên được nêu tại báo cáo cáo của Chính phủ, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2022, mới được gửi tới Quốc hội.
Trong lĩnh vực năng lượng, về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), báo cáo nêu rõ, đây là doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, có quy mô hoạt động trên toàn quốc. Petrolimex là nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất Việt Nam, đảm bảo cung ứng khoảng trên 44% thị phần xăng dầu cả nước.
Tập đoàn đã và đang phát huy vai trò chủ đạo trong bình ổn, phát triển thị trường xăng dầu, các sản phẩm hoá dầu đáp ứng tiêu dùng của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, theo đánh giá tại báo cáo.
Vẫn theo báo cáo, Petrolimex có 43/69 đơn vị thành viên Petrolimex trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố. Ở nước ngoài, Petrolimex có Công ty TNHH MTV Petrolimex tại Singapore, Công ty Petrolimex tại Lào.
Trong số gần 18.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, có 5.500 cửa hàng xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex, trong đó có trên 2.760 cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex và còn lại các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ do Petrolimex trực tiếp cung cấp.
Theo nhìn nhận của Chính phủ, trong năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, dị biệt khi chịu tác động của nhiều yếu tố, nhất là kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra từ tháng 2/2022 đã gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, cùng với những ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới và công tác điều hành thị trường xăng dầu trong nước chưa kịp thời thích ứng đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nguồn cung và/hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, nhu cầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh tạo nên khó khăn và áp lực đối với việc đảm bảo nguồn cung.
Tuy nhiên, với vai trò là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ đạo của nhà nước, đồng hành và chia sẻ trách nhiệm của Chính phủ và người dân, Petrolimex đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung căng dầu phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia.
Các giải pháp này cũng đồng thời đảm bảo thu nhập cho người lao động, hoàn thành cơ bản kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ Tập đoàn đã được Đại hội đồng cổ đông giao, trong đó vượt kế hoạch về các chỉ tiêu sản lượng xuất bán, doanh thu, lợi nhuận.
Sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn đạt 13,86 triệu m3, tấn, hoàn thành 114% kế hoạch năm 2022; trong đó sản lượng xuất bản của công ty mẹ đạt 11,089 triệu m3, tấn, hoàn thành 117% kế hoạch.
Tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 306.409 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch năm 2022, trong đó doanh thu và thu nhập của Công ty mẹ đạt 227.368 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế toàn Tập đoàn năm 2022 đạt 2.270 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lãi trước thuế là 806 tỷ đồng. Trong năm 2022, Công ty mẹ đã nộp NSNN 13.117 tỷ đồng.
Năm 2023, thông tin từ báo cáo cho hay, Petrolimex triển khai đồng bộ các giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh của hệ thống CHXD như: phát triển mới CHXD bằng nhiều hình thức kết hợp cải tạo nâng cấp hệ thống CHXD hiện hữu.
Doanh nghiệp này cũng hoàn thành áp dụng nhận diện mới trên toàn hệ thống đi đôi với bảo vệ thương hiệu; khai thác và gia tăng hiệu quả giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các CHXD. Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường xăng dầu để kịp thời nhận định, đánh giá tình hình, chủ động, linh hoạt trong điều hành từ khâu tạo nguồn, công tác bán hàng và giám sát tồn kho phù hợp.