PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Thiệt hại do môi trường gây ra đối với Việt Nam vô cùng lớn, nên phải đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế sang xanh hóa, thưa ông?
Từng là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính rất thấp, nhưng trong 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng phát thải của Việt Nam xếp vào hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu (đứng thứ 13 trong số 180 nước được đánh giá). Thực trạng này đang đe dọa trực tiếp những thành tựu kinh tế sau nỗ lực gần 40 năm mới đạt được.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hàng năm, thiệt hại do môi trường gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương 3,2% GDP và tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050.
Ý thức rất rõ tác hại do biến đổi khí hậu đem lại, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một số cam kết mạnh mẽ như đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; chấm dứt nạn chặt phá rừng và năm 2030 giảm 30% phát thải khí methane so với năm 2020; chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất nhiệt điện than mới, mở rộng quy mô năng lượng tái tạo…
Tại COP27, tổ chức tại Ai Cập năm 2022, Việt Nam tiếp tục khẳng định "cam kết đi đôi với hành động" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Như vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xanh hóa nền kinh tế, tăng trưởng xanh đã trở thành lựa chọn tất yếu để Việt Nam đi đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông, cơ chế, chính sách hiện hành có đủ để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, các nhân xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Khung pháp lý về thể chế liên quan hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021); Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022).
Để cụ thể hóa hành động xanh hóa nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2018/NĐ-CP, với quy định về trái phiếu xanh. Đó là loại trái phiếu chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan hoạt động bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, trái phiếu xanh. Theo đó, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là nội dung vẫn còn khá mới mẻ, nên hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế.
Nhưng muốn chuyển đổi nền kinh tế sang xanh hóa, vấn đề quan trọng không kém cơ chế, chính sách, đó là tiền, thưa ông?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 60.000 tỷ đồng vào năm 2016 lên 138.000 tỷ đồng năm 2020, lên 281.000 tỷ đồng năm 2022 và tới 340.000 tỷ đồng năm 2023. Như vậy, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đều đặn qua các năm, dư nợ tín dụng xanh năm 2023 gấp 5,7 lần năm 2016, với mức tăng trung bình 49%/năm.
Mặc dùng tăng nhanh trong những năm qua, nhưng quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ chỉ tăng từ mức 3,33% vào năm 2018, lên mức 4,5% vào cuối năm 2023.
Chính vì vậy, trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Kỳ họp thứ tám, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh?
Tín dụng xanh được hiểu là nguồn vốn ngân hàng cung cấp ưu đãi, lãi suất thấp cho các dự án liên quan bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính và những biến động bất thường của khí hậu, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Liên quan tín dụng xanh, có đại biểu Quốc hội cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp các gói tín dụng xanh chủ yếu cho các lĩnh vực năng lượng, nông, lâm nghiệp, xử lý chất thải. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Thưa ông, vấn đề là khi cho vay, ngân hàng căn cứ vào tài sản thế chấp, phương án sản xuất - kinh doanh, kế hoạch trả nợ, chứ không căn cứ vào doanh nghiệp có “xanh” hay không, sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không?
Đúng vậy. Nhưng khi doanh nghiệp sản xuất xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường thì xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... dễ dàng hơn. Các nước phát triển ngày càng ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng ở những nền kinh tế này ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, nên những doanh nghiệp không đáp ứng được quy trình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo khó có thể trụ vững trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, mặc dù có thể ngân hàng không căn cứ vào tiêu chí sản xuất xanh để cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng rõ ràng, khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ thân thiện với môi trường thì dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hơn.
Tại phiên chất vấn vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2017, chỉ có 5 ngân hàng tham gia tín dụng xanh, đến nay có 50 ngân hàng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và hiện dư nợ khoảng 650.000 tỷ đồng.