“Thủ tướng Chính phủ nhiều lần lên tiếng trước việc nhiều tỉnh miền núi xây dựng đường giao thông như xa lộ, nhưng lưu lượng xe qua lại rất ít và cho rằng, đây chính là minh chứng cho việc đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tuần này.
| ||
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Nguyên nhân dẫn tới lãng phí, hiệu quả thấp trong đầu tư công, theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, là do chưa có quy định cụ thể về việc ra chủ trương đầu tư.
“Dự thảo Luật Đầu tư công dành hẳn một chương quy định về nội dung này. Đây chính là con đê ngăn chặn tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”, ông Vinh hy vọng.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các chương trình quan trọng quốc gia và dự án quan trọng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư nhóm A; chương trình đầu tư công khác sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu chính phủ; chương trình, dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn viện trợ không hoàn lại...
Người đứng đầu các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B và nhóm C; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ở cấp địa phương, HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trọng điểm của địa phương đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và nguồn vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án khác đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và nguồn vốn xổ số kiến thiết; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
“Với những quy định trên, cộng với chế tài xử lý cá nhân ra quyết định chủ trương đầu tư không đúng và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, sẽ chấm dứt được tình trạng lãnh đạo địa phương ban hành chủ trương đầu tư tràn lan, chủ tịch tỉnh ra quyết định đầu tư, nhưng không biết ngân sách địa phương có bao nhiêu tiền; chấm dứt tình trạng cứ ban hành chủ trương đầu tư, ra quyết định đầu tư, sau đó trông chờ nguồn vốn từ trung ương nên mới dẫn tới tình trạng đầu tư tràn lan, đầu tư vượt quá nhiều lần khả năng sử dụng, công trình đầu tư dai dẳng 5 - 7 năm, thậm chí hàng chục năm do không có vốn”, Bộ trưởng Vinh phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng kỳ vọng, Luật Đầu tư công khi được ban hành, về cơ bản, sẽ chấn chỉnh được những hạn chế, yếu kém trong đầu tư công hiện nay, nhưng theo ông, muốn triệt để tránh lãng phí, cần phải quy định cụ thể cả nội dung đấu thầu dự án, công trình đầu tư công vào Luật Đầu tư công trên tinh thần “trúng thầu giá nào, phải làm theo giá đó”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, chỉ dự án, công trình nào “bị giời đánh” như gặp thiên tai, lũ lụt, bão tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành, thì mới điều chỉnh tổng mức đầu tư, còn lại chỉ thanh toán theo giá trúng thầu.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đã tham gia đầu tư công là phải thực hiện nguyên tắc “chìa khóa trao tay”, Nhà nước chỉ điều chỉnh tổng mức đầu tư khi bị thiên tai, lũ lụt, bão tố hay chính sách của Nhà nước thay đổi ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án, công trình.
Nam Kinh