Có rất nhiều lý do dẫn tới việc lãng phí trong đầu tư công. Theo ông, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất?
| ||
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Lấy việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ làm ví dụ để thấy rõ nguyên nhân cơ bản của việc sử dụng tài sản công kém hiệu quả.
Trước đây, việc quyết định và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là do chính quyền địa phương và các bộ, ngành phê duyệt.
Nhưng chính quyền địa phương và các bộ, ngành lại không chịu trách nhiệm tìm kiếm, khai thác nguồn vốn, mà việc lo vốn đầu tư lại thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Tách việc sử dụng vốn với khâu lo vốn đã dẫn tới tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương thường không cân đối đủ vốn, nhưng vẫn kiến nghị đầu tư công trình này, mở rộng quy mô công trình khác.
Có quá nhiều dự án, công trình được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt đầu tư, nhưng không đủ nguồn lực dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan, nhiều dự án thiếu vốn buộc phải làm dở dang, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… vừa thiếu, vừa yếu. Vì thế, các địa phương đề nghị tập trung đầu tư cũng không sai, thưa ông?
Cứ 5 năm một lần, các tỉnh tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh và đều ra nghị quyết, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới sẽ khởi công xây dựng, nâng cấp, mở rộng con đường này, bệnh viện kia, hệ thống thủy lợi nọ. Căn cứ nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh hàng năm đặt kế hoạch khởi công xây dựng, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Cở sở hạ tầng nói chung ở đâu cũng vừa thiếu, vừa yếu, vì thế, nghị quyết của đại hội đảng bộ tỉnh, của HĐND cấp tỉnh về việc khởi công xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông, bệnh viện, hạ tầng thủy lợi nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là rất đúng, nhưng khi cân đối thu chi, thì mới “tá hỏa”, vì nguồn vốn địa phương chẳng có là bao so với tổng mức đầu tư, nên lại phải trông chờ vào nguồn vốn từ Trung ương.
Trong khi cân đối ở Trung ương không “dư dả”, nên nhiều công trình, dự án phải giãn, hoãn tiến độ, ngừng khởi công, dẫn tới lãng phí.
Chỉ tính riêng về vốn trái phiếu chính phủ, mức độ thiếu vốn “căng” cỡ nào, thưa ông?
Năm 2006, tổng mức đầu tư các công trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục được xác định là 150.668 tỷ đồng, trong đó sử dụng vốn trái phiếu chính phủ 110.000 tỷ đồng. Đến năm 2010, sau khi cân đối, tính toán lại, tổng mức đầu tư đội lên tới 570.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là 530.302 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, nhu cầu vốn tối thiểu để triển khai các công trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đến năm 2015 lên tới 684.794,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong cả giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính chỉ được phát hành tối đa 225.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để thực hiện các công trình, dự án kể trên. Như vậy, có thể thấy, nguồn vốn trái phiếu chính phủ chỉ đáp ứng được khoảng 32,85% nhu cầu.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Theo ông, triển khai chỉ thị này, tình trạng đầu tư ồ ạt có chấm dứt?
Có thể nói, Chỉ thị 1792/CT-TTg là một bước ngoặt tích cực trong công tác quản lý, góp phần hạn chế triển khai ồ ạt, không tính tới khả năng cân đối vốn của các dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg và Nghị quyết 12/2011/QH13 về việc khống chế danh mục và tổng mức phát hành vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư 166 dự án. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án, ngoài số công trình đã cắt, giảm, giãn, hoãn, vẫn còn rất lớn.
Vì vậy, cần phải triển khai triệt để Chỉ thị 1792/CT-TTg với yêu cầu bắt buộc các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt; chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Những dự án được quyết định đầu tư, mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí, thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm.
Mạnh Bôn