Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những giá trị của văn hóa có sức sống bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc.
Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhất quán, không ngừng phát triển trong quá trình lãnh đạo, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy các nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Những năm gần đây, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ tất yếu, quan trọng, thường xuyên, lâu dài của các cấp, ngành, địa phương và trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại Công nghệ số, theo đó xây dựng môi trường văn hoá số không nằm ngoài xu hướng đó. Nhằm cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 12/01/2023 về việc Chuyển đổi số TP. Hải Phòng năm 2023, trong đó nhiệm vụ Xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa số của người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số là cần thiết và phù hợp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo đó, Bộ tiêu chí về văn hóa số của người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số là mục tiêu chuẩn hoá việc xây dựng môi trường văn hoá trên mội trường số, sẽ từng bước Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên môi trường số, góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người Hải Phòng trên môi trường số; Đồng thời tạo điều kiện phát triển lành mạnh môi trường số thành phố Hải Phòng, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử, phù hợp chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ tiêu chí cũng chính là công cụ, thước đo đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng môi trường văn hoá tại địa phương,
Quang cảnh Hội thảo |
Quá trình xây dựng Bộ tiêu chí về văn hoá số của người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số, Sở Văn hóa và Thể thao và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhóm chuyên gia bao gồm các Phó giáo sư, Tiến sĩ văn hóa nhằm xây dựng những tiêu chí định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh, lịch sự của người Hải Phòng khi tham gia trên môi trường số.
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng Bộ tiêu chí đã thông tin về các nội dung nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia môi trường số như: văn minh tinh thần trong không gian mạng của xã hội văn minh; xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa số của Người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số nhìn từ một số giải pháp truyền thông; Bộ tiêu chí “Văn hóa số Hải Phòng” hệ giá trị mở rộng bảo vệ những nét riêng của người Hải Phòng...
“Công nghệ chính là chìa khóa của sự phát triển. Bởi vậy, việc xây dựng quy tắc ứng xử trên môi trường số là điều chúng ta cần sớm triển khai một cách đồng bộ, có chiến lược lâu dài, góp phần định vị và lan tỏa các giá trị văn hóa số Việt Nam”, bà Mai nhấn mạnh.
Với 3 bài tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự Hội thảo, Sở Văn hóa và Thể thao đã ghi nhận và tiếp thu để có thể tiếp tục xây dựng hoàn thiện Bộ tiêu chí về văn hóa số của người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số trong thời gian tới.