Doanh nghiệp
Xây dựng chính sách ‘cú đấm thép’ cho nông nghiệp
Kỳ Thành - 29/02/2020 15:55
Dành hơn 4 giờ đồng hồ để lắng nghe doanh nghiệp, địa phương “hiến kế”, người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng cho biết, một chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ sớm được ban hành.

Nông nghiệp không chỉ đủ ăn, mà có thể làm giàu

“Thế hệ của chúng tôi là thế hệ còn đói ăn, nhưng đến nay, nước ta không chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu trên 41 tỷ USD nông sản. Nhiều nông, thủy sản chúng ta không thể ngờ lại mạnh được như hiện nay, như sữa, ngành gỗ, thủy sản… ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đầy xúc động tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp diễn ra cuối tuần qua.

Thủ tướng nhìn nhận, nông nghiệp Việt Nam hiện còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã hình thành. Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại, mang tầm khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 - 20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu.

Nhìn chung, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế, nên hiệu quả chính sách không cao.

Thừa nhận rằng, thời gian qua, lĩnh vực này đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng chưa tập trung, Thủ tướng yêu cầu, từ hội nghị này, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là “cú đấm thép” để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa.

Doanh nghiệp “hiến kế”

Trước tinh thần quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, nhiều doanh nhân, đại diện các hiệp hội ngành hàng đã đóng góp những ý kiến tâm huyết để để xây dựng chính sách “cú đấm thép”.

Dẫn chứng câu chuyện giải cứu nông sản đang bị làm “thái quá” thời gian qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, việc giải cứu sẽ làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của kinh tế thị trường.

Cho rằng khâu sản xuất và phân phối chưa có người “cầm trịch”, ông Dương nhận định, nông dân phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường để có hướng sản xuất phù hợp hơn. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, dựa vào thị trường phân phối tập trung.

Đề nghị nông nghiệp cần có sự đột phá tư duy, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho rằng, chỉ nói về công nghệ là không đủ, mà phải là khoa học quản trị, muốn bán được hàng phải có thương hiệu. "Chính phủ cần có chính sách khích lệ cụ thể với từng sản phẩm cụ thể. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo thông lệ quốc tế. Có vậy, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên, nông nghiệp mới phát triển bền vững", bà Hương nói.

Đi sâu vào câu chuyện cơ giới hóa nông nghiệp, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp gần như không mặn mà với việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến của ngành nông nghiệp, nên hầu hết trang thiết bị ngành này phải nhập khẩu.

Cùng quan điểm, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đề nghị Chính phủ giao các trường học, các viện nghiên cứu cơ bản, các doanh nghiệp lớn trong nước như Vingroup, Trường Hải nghiên cứu ứng dụng để cung cấp cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp. "Chúng ta mua máy của Đức, Mỹ, khi hỏng phải gửi sang sửa hoặc mời chuyên gia sang, nên rất mất thời gian và tốn kém", ông Khuê cho biết.

Sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong Top 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, xem là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có nông, thủy sản sạch, chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa”.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Ô tô Trường Hải
Tin liên quan
Tin khác