Đại diện Viện những Vấn đề Phát triển phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo khoa học với chủ đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong điều kiện mới" do Hội Khoa học Hành chính phối hợp với Viện những Vấn đề Phát triển tổ chức vào ngày 24/10 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thảo, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một chủ đề lớn trong tình hình đổi mới, cải cách cơ bản bộ máy nhà nước trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực tiễn hơn 30 năm qua, nhận thức và quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để xây dựng một Nhà nước pháp quyền phù hợp với quá trình cải cách và hội nhập toàn diện với thế giới.
Đánh giá tại hội thảo cho thấy, Hiến pháp 2013 thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tạo cơ sở để Cương lĩnh được thực thi trong thực tế.
Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước với 3 cơ quan quyền lực: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp cùng các cơ quan độc lập gồm Kiểm toán nhà nước và Hội đồng bầu cử quốc gia, là bộ máy quyền lực nhà nước khá tương thích với các nhà nước pháp quyền hiện đại. Các cơ quan này hoạt động theo quy định của các luật tổ chức tương ứng và vận hành khá tốt.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong thời gian qua, các chuyên gia đánh giá vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục quan tâm giải quyết. Trong thực tiễn hoạt động, ngoài những kết quả tích cực, cơ chế phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương vẫn còn nhiều bất cập khiến chính quyền địa phương chưa thể hiện đúng tinh thần của Đại hội Đảng XII.
Tại hội thảo, đã có kiến nghị nhiều giải pháp lớn giúp xây dựng bộ máy và đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, nêu bật mục tiêu hiện đại hóa Nhà nước trong cải cách đòi hỏi phải nâng cao năng lực thể chế để giải quyết tốt ba trụ cột của phát triển, bao gồm: xây dựng bộ máy hành chính đồng bộ tổ chức theo thứ bậc chặt chẽ, phân cấp, phân quyền hợp lý và đề cao tính kỷ luật, kỷ cương; áp dụng các nguyên tắc thị trường trong các quyết sách kinh tế, khuyến khích phát triển bình đẳng mọi thành phần kinh tế còn tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ, triệt để tuân thủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường; xác lập thể chế trách nhiệm giải trình của Nhà nước, của Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch, thu hút có hiệu quả sự tham gia của người dân trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật với các quy định trách nhiệm mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn.