Hội thảo “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo Xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường”. Ảnh: NIC |
Ngày 17/9, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo Xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đổi mới sáng tạo xanh là yếu tố cốt lõi giúp chúng ta ứng phó với các thách thức nêu trên. Bà dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 30%.
Để thúc đẩy quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh, triển khai một số hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon… để thúc đẩy nông nghiệp xanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NIC |
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Todd Sanderson, Giám đốc chương trình nghiên cứu các hệ thống xã hội của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Chính phủ Australia cho hay, cơ chế thị trường đóng vai trò quan trọng thiết yếu trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp. Bởi, việc này sẽ giúp chúng ta thực hiện hiệu quả hơn, tăng năng suất, giảm khí thải. Nếu không thể thiết lập được một thị trường công bằng và hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến quyền lợi, các đơn vị kinh doanh nhỏ và người nông dân.
Phân tích sâu về lĩnh vực sản xuất lúa gạo, PGS. Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia cho biết, đây là nguồn phát thải khí nhà kính lớn không chỉ ở Việt Nam mà ở quy mô thế giới. Bởi lẽ, ngành này sử dụng nhiều đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới; quá trình sản xuất lúa cũng tạo ra phát thải khí metan.
Giải pháp để giảm phát thải trong lĩnh vực này cũng đã có từ đầu những năm 2000 với 2 nhóm giải pháp là giảm bớt đầu vào để nâng cao hiệu quả và giảm bớt thời gian ngập, nhưng xét về tổng thể, nông dân sẽ tốn chi phí hơn hoặc bị giảm lợi nhuận, dẫn tới quy mô áp dụng các kỹ thuật canh tác phát thải thấp còn hạn chế, có những hộ đã áp dụng nhưng sau lại từ bỏ.
PGS. Chu Hoàng Long cho rằng, cơ chế thị trường được coi là công cụ hiệu quả để giải quyết vấn đề này, thông qua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế thị trường đòi hỏi quá trình kiểm định và cần được thiết kế phù hợp với các mục tiêu vĩ mô của quốc gia.
Đại diện NIC và VASEA ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị. Ảnh: NIC |
Cung cấp thông tin tổng quan về thị trường carbon, TS. Nguyễn Thị Hải, Đại học Quốc gia Australia cho biết, hiện nay có 2 mô hình thị trường carbon, là thị trường carbon bắt buộc được thiết lập bởi Chính phủ, hỗ trợ các chương trình bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính (CDM, Australia ETS, California). Song song với đó là thị trường carbon tự nguyện được hình thành bởi khối tư nhân, trong đó người bán và người mua trao đổi dưới hình thức tự nguyện (VCS, Gold Standard).
Đối với thị trường carbon tự nguyện tại Australia, nông dân bán tín chỉ carbon thu được từ các hoạt động trồng rừng, cải tạo đất, thu hồi metan... cho doanh nghiệp muốn bù đắp phát thải.
TS. Nguyễn Thị Hải cho biết, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ tạo cơ hội cho người nông dân được tiếp cận với nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon, đồng thời giảm phát thải khí metan, sử dụng ít nước tưới, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất…, góp phần phát triển bền vững đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về yêu cầu cao hơn về kỹ thuật trồng so với các biện pháp truyền thống, chi phí cao hơn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ…
TS. Nguyễn Thị Hải khuyến nghị, Việt Nam cần thiết lập thị trường mua bán tín chỉ carbon và khuyến khích thực hiện thị trường carbon theo cơ chế tự nguyện; xây dựng các chính sách hỗ trợ hoạt động cấp tín chỉ carbon và thị trường giao dịch carbon; quy hoạch diện tích trồng phù hợp để áp dụng hệ thống cấp tín chỉ quốc tế (VCS/GS) và hệ thống cấp tín chỉ quốc gia.