Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho hay, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị thuộc Vicem đã bị đảo lộn khá nhiều, khi điện tăng giá. Bởi vậy, việc điều chỉnh nhẹ về giá bán xi măng lần này là động thái nhằm giảm phần nào áp lực tăng chi phí sản xuất.
| ||
Trong 9 tháng đầu năm 2013, dù chi phí đầu vào tăng cao, nhưng nguồn cung xi măng tại các nhà máy vẫn ổn định. Ảnh: Chí Cường |
Do kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được các đơn vị thành viên xây dựng sát với thị trường, nên việc tăng giá điện làm Vicem phải chi thêm gần 80 tỷ đồng, trong đó, riêng Vicem Hoàng Thạch, DN thành viên có sản lượng lớn và tiêu thụ khá nhất, mất thêm khoảng 20 tỷ đồng chi phí.
Thông thường, bài toán tăng giá để bù đắp chi phí đầu vào được xem là giải pháp đầu tiên của các DN. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này cũng không đơn giản, bởi sự chưa đồng thuận trong tăng giá giữa các DN sản xuất xi măng sẽ tạo ra chênh lệch về giá trên thị trường, khiến DN tăng giá nhiều sẽ bị ảnh hưởng về tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết, DN này đã điều chỉnh giá bán xi măng từ đầu tháng 9/2013, với mức giá tăng 100.000 đồng/tấn. Sau hơn một tháng thực hiện bán xi măng theo giá mới, DN này thấy rằng, một số đơn vị khác trong ngành, dù đã thống nhất tăng giá, nhưng vẫn bán theo giá cũ.
“Hiện Công ty phải tính lại mức tăng giá bán để dễ được thị trường chấp nhận và mức chênh lệch không quá cao, nếu tiếp diễn việc thực hiện tăng giá chưa đồng đều giữa các DN”, ông Vịnh nói và cho biết, mức tăng sẽ được đưa về khoảng 50.000 đồng/tấn và DN này mới thực hiện tăng giá đối với sản phẩm xi măng bao PCB30, 40, chưa áp dụng với một số chủng loại xi măng rời, clinker xuất khẩu.
Theo phản ánh của đại diện xi măng Cẩm Phả, trước đợt tăng giá lần này, giá xi măng vẫn được giữ ổn định từ cuối năm 2011, dù hàng loạt chi phí đầu vào đã tăng nhiều lần. Cụ thể, giá điện tăng 3 lần, giá than tăng 5 lần và giá dầu tăng gần 10 lần. Riêng Xi măng Cẩm Phả đã tốn thêm 85 tỷ đồng do tăng giá chi phí đầu vào, nếu tính trên mỗi tấn xi măng thì DN phải chi thêm 50.000 đồng.
Tại miền Bắc, Tập đoàn Xi măng The Vissai, một thương hiệu xi măng vẫn được tiếng là có giá cạnh tranh trong ngành xi măng, với lợi thế sản lượng lớn và công nghệ hiện đại, chỉ số tiêu hao điện, nhiệt hợp lý…, cũng đã điều chỉnh giá bán xi măng tăng thêm 40.000 đồng/tấn từ ngày 1/9/2013, sau đúng 1 tháng giá điện tăng. Hiện các loại xi măng PCB30, PCB40, PCB50 của The Vissai được bán với giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, giá điện tăng, các chi phí nguyên, nhiên liệu khác cũng biến động, thì việc tăng giá là điều tất yếu đối với mỗi DN sản xuất xi măng.
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), 9 tháng đầu năm 2013, mặc dù giá than, điện, xăng dầu và chi phí tài chính ở mức cao dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng, nhưng nguồn cung và giá bán xi măng tại các nhà máy vẫn ổn định.
Do có nguồn nguyên liệu dồi dào và tập trung nhiều nhà máy xi măng lớn, nên giá xi măng tại thị trường miền Bắc luôn thấp hơn 10-15% so với thị trường miền Nam. Cụ thể, tại miền Bắc, mức giá bán dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tấn, tại miền Nam là từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn.
Thế Hải