Ngân hàng - Bảo hiểm
Xóa ám ảnh nợ xấu
Hà Tâm - 09/10/2013 12:57
Trao đổi tại Hội thảo Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại" do Trung tâm nghiên cứu BIDV chủ trì tổ chức sáng nay tại Hà Nội,  TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, từ nay đến hết năm 2014, nhiệm vụ nặng nề nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là phải hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính và xử lý nợ xấu trước khi bắt tay áp dụng tiêu chuẩn hiện đại của quốc tế về quản trị. Nền kinh tế đang “ấm lên từ đáy”

Xử lý nợ xấu là ưu tiên hàng đầu

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nếu nhiệm vụ cơ bản của tái cơ cấu ngân hàng năm 2011 - 2012 là đảm bảo được thanh khoản của hệ thống, xử lý căn bản các ngân hàng yếu kém, thì năm 2013 - 2014, xử lý nợ xấu, đổi mới hoạt động và quản trị doanh nghiệp, hoàn thành căn bản cơ cấu sở hữu của ngân hàng yếu kém… được đặt lên hàng đầu.

Theo lộ trình, năm 2014, ngành ngân hàng phải hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính. Ảnh: Đức Thanh

“Sau 2 năm tái cơ cấu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xử lý được căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý được một phần nợ xấu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã cơ cấu lại một bước nhỏ sở hữu các ngân hàng thương mại, tăng cường một bước kỷ cương, kỷ luật”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Từ những thành công ban đầu, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo lộ trình tái cơ cấu đề ra, năm 2014, ngành ngân hàng phải hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính.

Cụ thể, phải hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu, áp dụng trên thực tế các chuẩn mực kế toán và an toàn, tập trung hoàn thành tái cơ cấu hoạt động và quản trị.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Dominic Mellor cũng cho rằng, những giải pháp tái cơ cấu ngân hàng mà NHNN triển khai thời gian qua là đúng hướng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Việt Nam và cần quyết tâm chính trị cao để giải quyết.

“Với quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đã tái cấu trúc ngân hàng giai đoạn đầu ổn thỏa. Giải quyết nợ xấu cũng phải được thực hiện rốt ráo, khẩn trương như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, bởi nếu nợ xấu không được xử lý dứt điểm, bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gia tăng”, ông Dominic cảnh báo.

Dù xác định nợ xấu là trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam thời gian tới, song quá trình nợ xấu của nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức, như thiếu đồng thuận về chính sách, thiếu nguồn lực tài chính an toàn, sở hữu chéo, thị trường mua bán nợ kém phát triển, quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro còn yếu kém…

Tái cơ cấu ngân hàng đang có nhiều thuận lợi

Theo các chuyên gia kinh tế, dù tái cơ cấu ngân hàng mới bước vào giai đoạn thứ hai, song có rất nhiều cơ hội thành công. Cụ thể là điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và có những dấu hiệu phục hồi, thanh khoản được củng cố vững chắc. Ngoài ra, sự vào cuộc mạnh mẽ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng cũng như sức ép từ các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết cũng khiến lộ trình tái cấu trúc sẽ được đẩy nhanh hơn.

Để việc triển khai tái cấu trúc thời gian tới thành công, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất 5 giải pháp.

Thứ nhất, cần tạo sự đồng thuận hơn nữa, nhất là sự đồng thuận cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Chính phủ phải có thái độ rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với nợ xây dựng cơ bản. Đồng thuận giữa VAMC, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự đồng thuận của xã hội và công luận.

Thứ hai, về xử lý nợ xấu, cần giải tỏa những lo ngại của ngân hàng và doanh nghiệp khi bán nợ cho VAMC. Đồng thời, phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu; có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính, có chính sách khuyến khích thị trường mua bán nợ phát triển.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, giám sát kỷ cương, kỷ luật và minh bạch của hệ thống ngân hàng nói chung và trong việc mua bán nợ nói riêng.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống quản trị và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Thứ năm, khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2014, song vấn đề quan trọng nhất của lộ trình tái cơ cấu ngân hàng là hiện đại hóa hoạt động ngân hàng theo chuẩn quốc tế (thực hiện vào năm 2015). Lý do là, nếu không thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu có thể quay lại.

Tin liên quan
Tin khác