Ngân hàng
Tái cơ cấu ngân hàng nhìn từ chuyển động kinh tế vĩ mô
 Trong nền kinh tế chuyển đổi, đang phát triển như Việt Nam, tổ chức tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế, nên diễn biến chỉ số kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và ngược lại. Kinh tế ngóng bước đột phá về thể chế

Thách thức từ suy giảm kinh tế thế giới

Từ tháng 9/2008, khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ bùng phát và lan rộng ra toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ, thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Tiếp theo sự suy giảm của kinh tế thế giới trong năm 2008, những năm 2009-2011 là giai đoạn biến động đầy phức tạp của kinh tế thế giới, trong đó xu hướng chủ đạo là khủng hoảng kinh tế lan rộng và đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất từ năm 1930. Nổi bật lên trong giai đoạn này là sự ảm đạm của kinh tế thế giới với khủng hoảng nợ công châu Âu, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác.

Từ năm 2012 đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, xu hướng phục hồi sau khủng hoảng đã được khẳng định nhờ những kiên trì, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm kể từ năm 2008 tại một số nước và khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp và đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD.

Năm 2013, nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên phải đóng cửa sau 17 năm, vì không lưỡng viện không thống nhất được kinh phí hoạt động

Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại trong các năm qua như nợ công, thâm hụt ngân sách, thất nghiệp… vẫn là những thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của các Chính phủ cũng như sự chung tay, hợp tác giải quyết của toàn khối, khu vực và các tổ chức lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh thế giới như trên, Việt Nam cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng và những biến động kinh tế tương đối cùng chiều. Bên cạnh đó, những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ rõ hơn và đang là những thách thức đối với sự phát triển bền vững.

Giai đoạn 2002 - 2007, Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá với mức bình quân 7,8%. Với việc gia nhập WTO năm 2007, tăng trưởng GDP lên tới gần 8,5%. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đánh dấu bước ngoặt cho giai đoạn khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng GDP luôn thấp hơn 7% và ngày cảng giảm sút. Nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong năm 2009 Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực thực hiện gói kích cầu 01 tỷ USD, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng trưởng kinh tế đã đạt 5,32% và được cải thiện mức 6,78% trong năm 2010.

Tuy nhiên những bất ổn vĩ mô cũng bộc lộ rõ hơn: Lạm phát năm 2010 là 11,09%, năm 2011 là 18,13% - là mức cao nhất trong các nền kinh tế khu vực Đông Á. Để kiềm chế lạm phát, từ đầu năm 2012 Chính phủ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ và luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm về một con số, song kèm theo đó là những hệ quả như tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 chỉ đạt 5,03% - mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, sức cầu tiêu dùng nội địa suy yếu, hàng tồn kho tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng nhanh, sản xuất đình trệ, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng nhanh, tín dụng ngân hàng tăng trưởng thấp, vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm.

Chuyển động của những nhiệm vụ trọng tâm

Từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2011-2016 là thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Qua hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ này, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận: Khôi phục được ổn định kinh tế vĩ mô; Tái cơ cấu đầu tư đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm qua; Hoạt động của hệ thống TCTD từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi; Cơ bản hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nói trên, tiến độ tái cơ cấu nói chung và ba lĩnh vực trọng tâm nói riêng còn chậm, chưa có những thay đổi đột phá.

3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi
mô hình tăng trưởng đã đạt được kết quả bước đầu

Bước sang năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP với 03 mục tiêu chính: (i)Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; (ii) Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; (iii) Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các giải pháp đề ra tại 2 Nghị quyết này được đánh giá là có nhiều điểm mới khác biệt cơ bản so với năm 2012, mang tính toàn diện, đầy đủ cho cả ngắn hạn và dài hạn, nhằm trúng và đúng các vấn đề cần giải quyết cấp bách hiện nay của nền kinh tế là tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, giải quyết vấn đề nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, khơi thông dòng vốn,...

Qua 9 tháng thực hiện Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có những chuyển biến khá tích cực: lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp dự kiến khoảng 7% năm 2013; tăng trưởng GDP mặc dù còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng đều qua từng quý, GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,14% - cao hơn cùng kỳ 2012; thu hút FDI, ODA, kiều hối đánh dấu những điểm sáng nhất; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch; thanh khoản của hệ thống NHTM dồi dào, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm; thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu ấm dần lên. Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, vấn đề cần lưu ý cả trong ngắn hạn và dài hạn.

5 khó khăn trước mắt của nền kinh tế

Những khó khăn trước mắt của nền kinh tế trong ngắn hạn, theo các Trung tâm Nghiên cứu BIDV, gồm 05 điểm cơ bản: (i) Sức cầu nội địa còn yếu, tăng trưởng phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp & nông nghiệp; (ii) Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại; (iii) Tiến trình xử lý nợ xấu chưa có nhiều chuyển biến rõ nét; (iv) Thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh ẩn chứa nhiều rủi ro cho nền kinh tế và làm hạn chế không gian thực hiện các chính sách kích thích tổng cầu thông qua đầu tư công, chi tiêu Chính phủ; (v) Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao tác động tiêu cực đến lao động, việc làm.

Về dài hạn, những vấn đề quan trọng Việt Nam cần phải cải thiện để có được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng theo chúng tôi cần tập trung vào 05 vấn đề cơ bản: (i) Gia tăng hiệu quả đầu tư công; (ii) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động; (iii) Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của Quốc gia, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ; (iv) Bố trí cân đối cơ cấu kinh tế theo vùng miền, theo ngành đảm bảo tính bền vững và (v) đặc biệt là bài toán cải cách thể chế đang được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các chuyên gia tin rằng là cốt lõi của tăng trưởng bền vững.

Như vậy, trước bối cảnh sự cải thiện chậm chạp và bấp bênh của kinh tế giới cũng gây bất lợi cho sự hồi phục của kinh tế Việt Nam cộng với những khó khăn nội tại trong ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế, để đảm bảo hiệu quả trong vận hành nền kinh tế, theo chúng tôi cần kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, năm 2014 trong điều kiện lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 7%, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ ở mức độ nhẹ, ưu tiên cho những lĩnh vực thiết yếu, cấp bách để kích thích kinh tế, đồng thời nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn của Việt Nam với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TTP và gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, công nghệ,.. nhưng đồng thời yêu cầu tái cơ cấu, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam càng trở nên cấp thiết để quá trình hội nhập đạt hiệu quả.

Theo đó, nếu các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được phục hồi và 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng của năm 2014 sẽ trở nên khả quan và vững chắc hơn.

Tái cấu trúc ngân hàng - then chốt của tái cấu trúc nền kinh tế

Diễn biến chỉ số kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và ngược lại. Đặc biệt trong nền kinh tế chuyển đổi, đang phát triển như Việt Nam, tổ chức tín dụng là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế.

Xuất phát từ thực tiễn cuối năm 2011, tình trạng khu vực ngân hàng Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống, có thể là nhân tố kích hoạt cho sự đổ vỡ kinh tế: lãi suất cho vay tăng cao lên đến trên 20% và kéo dài từ 2009- 2011; thanh khoản của hệ thống NHTM gặp khó khăn, lãi suất cho vay LNH lên tới 30% - 40%; nợ xấu tăng nhanh; hiệu quả và lợi nhuận giảm sút…đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu hoạt động của hệ thống.

VMAC đã mua khoản nợ đầu tiên của Agribank, mở ra hy vọng xử lý nợ xấu, một trong những nút thắt của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem là khâu then chốt nằm trong chiến lược tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế

Tháng 3/2012, bằng Quyết định số 254/QĐ - TTg ngày 01/03/2012, Chính phủ Thông qua Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Bắt đầu từ 2011- 2012, tập trung hỗ trợ thanh khoản; rà soát, phân loại TCTD và thực hiện mua bán sáp nhập ngân hàng yếu kém và đến năm 2014 hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính (xử lý nợ xấu) và 2015 hoàn thành căn bản tái cơ cấu hoạt động và quản trị.

Đây là đề án tái cơ cấu lần 2 kể từ thập niên 90 khi Việt Nam chuyển sang hệ thống NHTM hai cấp. Trước đó, từ 1997 - 2005: tái cơ cấu, củng cố, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng hai cấp mới được hình thành trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ châu Á.

Để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng, tháng 5/2013, Chính phủ thông qua Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án Thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 31/5/2013). Dự kiến, trong năm 2013, VAMC xử lý được từ 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trên cơ sở hành lang pháp lý được ban hành, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được triển khai một cách quyết liệt và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận giúp hoạt động ngân hàng từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh: (i) Thanh khoản của hệ thống NHTM được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định, xử lý căn bản TCTD yếu kém; (ii) Thị trường huy động vốn từ quý 4/2011 tới nay đã được thiết lập lại trật tự sau hơn 2 năm lộn xộn, tình trạng huy động vượt trần, chạy đua lãi suất được khống chế; (iii) Mặt bằng lãi suất giảm nhanh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; (iv) Hệ thống NHTM tích cực trong công tác trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng, số dư dự phòng còn lại đến cuối tháng 7/2013 là 75,05 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85 nghìn tỷ so cuối năm 2012.

Bên cạnh kết quả bước đầu trên, quá trình tái cơ cấu đối mặt với không ít thách thức như: Xử lý nợ xấu mới được bắt đầu, nợ xấu vẫn chưa thể giảm bền vững: theo số liệu báo cáo từ các TCTD cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,58%, tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp và tăng 0,28% so với đầu năm và với quy mô nợ xấu của toàn hệ thống đòi hỏi nguồn lực lớn để xử lý.

Ngoài ra, những vấn đề như sở hữu chéo; quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro yếu kém, tính công khai minh bạch của các TCTD trong việc công bố chính xác con số nợ xấu …và tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin thị trường giảm sút cũng sẽ hưởng rất lớn đến quá trình tái cấu trúc của các NHTM.

Những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước thời gian qua đã tạo ra những điều kiện nền tảng thuận lợi ban đầu cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM thời gian tới như: kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đang xuất hiện những dấu hiệu phục hồi và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố.

Có thể hy vọng và tin tưởng rằng, việc áp dụng đồng bộ những giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra giám sát, nâng cao quản trị rủi ro của các NHTM và giảm sở hữu chéo..., tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam sẽ đạt được triển vọng tích cực.

* Nhằm nhìn nhận lại chuyển động kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước, cũng như tác động của nó đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại", tại KS Melía Hà Nội (45B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trong buổi sáng 9/10/2013.

* Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong và ngoài nước, với sự chủ trì của Trung tâm Nghiên cứu BIDV.

* Dự kiến, sau Hội thảo, trên cơ sở các bài viết, bài trình bày và ý kiến thảo luận, Ban tổ chức sẽ biên tập Báo cáo kiến nghị của Hội thảo khoa học gửi đến Ban Kinh tế Trung Ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các đơn vị khác, với mong muốn được đóng góp một phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Thông tin chi tiết về Hội thảo sẽ được cập nhật trên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.

Tin liên quan
Tin khác