Tài chính - Chứng khoán
Xóa tiền phạt chậm nộp thuế: Lo tiền lệ xấu
Mạnh Bôn - 05/11/2014 08:43
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, ông không đồng tình việc xóa tiền phạt chậm nộp thuế như đề xuất của Bộ Tài chính trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế vừa được Quốc hội thảo luận hôm qua (4/11), vì sợ tiền lệ xấu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Vênh” quan điểm xóa nợ phạt chậm nộp thuế
Từ 15/11 chính thức cắt giảm thủ tục hành chính thuế
Doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất muốn... giảm thuế
Xóa hàng ngàn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế

Dường như ông rất băn khoăn trước việc Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội xóa tiền phạt chậm nộp thuế trước ngày 1/7/2013 cho một số đối tượng?

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 57/2013/QH13 yêu cầu không ban hành, điều chỉnh các chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia.

   
  TS. Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội   

Vì thế, việc đề nghị Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế là trái với Nghị quyết 57. Theo tính toán, nếu luật thuế này được thông qua, kể từ năm 2015, dự kiến mỗi năm, ngân sách giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, tăng chi do tăng hoàn thuế giá trị gia tăng 1.300 tỷ đồng...

Năm 2014, ngân sách nhà nước tăng thu dự kiến 63.700 tỷ đồng. Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng giúp ngân sách thu thêm khoản tiền không nhỏ hàng năm?

Cũng như những năm mà ngân sách nhà nước tăng thu trước đây, năm nay, ngân sách tăng thu cũng chủ yếu từ bán dầu thô, thu từ đất đai, hoạt động xuất - nhập khẩu, bán tài nguyên thiên nhiên…, tức là thu từ các khoản không bền vững, chứ không phải tăng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, không thể lấy lý do ngân sách tăng thu để ban hành các chính sách thuế làm giảm thu ngân sách.

Còn đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, theo tính toán của Bộ Tài chính, khi sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt trên tinh thần tăng thuế đối với rượu bia, thuốc lá, thì năm 2015, ngân sách tăng thu 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng... Đây chỉ là con số tăng thu tính trên lý thuyết, còn thực tế, khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng khiến sản xuất, kinh doanh lĩnh vực rượu bia, thuốc lá gặp khó khăn, thì nguồn thu ngân sách không tăng như tính toán.

Đấy là chưa kể, khi thuế tăng, lợi nhuận từ việc gian lận thương mại, buôn lậu sẽ tăng lên, nếu không chống được buôn lậu, gian lận thuốc lá, rượu bia, thì ngân sách chưa chắc đã tăng thu. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, rượu bia, thuốc lá là hai trong số các lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước.

Trong đề xuất xóa nợ thuế, Bộ Tài chính cho rằng, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp, thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn, có trường hợp sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản hoặc nghỉ kinh doanh?

Vì vậy, cần phải có chính sách căn cơ, tầm nhìn dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn việc xóa nợ thuế hay tiền phạt chậm nộp chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt không giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn của doanh nghiệp.

Hơn nữa, nếu cứ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn lại xóa nợ thuế, thì sẽ dẫn tới tâm lý ỷ lại, trông chờ, thậm chí có phản ứng tiêu cực là doanh nghiệp cứ nợ thuế, đến lúc nào đó sẽ được xóa cả tiền phạt chậm nộp lẫn tiền nợ. Ngoài ra, tiền phạt chậm nộp thuế về bản chất là tiền phạt vi phạm hành chính, hiện không có quy định nào xóa tiền xử phạt vi phạm hành chính, trừ khi đối tượng bị phạt đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Vậy là ông không đồng ý xóa nợ tiền phạt chậm nộp theo đề nghị của Bộ Tài chính?

Đúng vậy. Bộ Tài chính đề nghị xóa tiền phạt chậm nộp trước ngày 1/7/2013 đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán; đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế; vay của ngân hàng thương mại với lãi suất trên 20%/năm.

Theo tôi, chỉ nên xóa tiền phạt chậm nộp từ thời điểm 2008 - 2009 trở về trước và cũng chỉ xóa với đối tượng gặp khó khăn do ngân sách nhà nước chậm thanh toán dẫn đến không có tiền nộp thuế nên bị phạt chậm nộp. Ngoài ra, nên nghiên cứu xóa tiền phạt chậm nộp với doanh nghiệp hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; doanh nghiệp xã hội.

Tin liên quan
Tin khác