Theo đề xuất của Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2020 - 2030, cả nước chuyển đổi 400.000 - 500.000 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Việc tiếp cận đất đai, tích tụ đất đai, chuyển mục đích sử dụng hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhìn chung, các tài nguyên, kể cả đất đai, công nghệ, lao động… đều phải thị trường hóa, đặc biệt là đất đai.
TS. Đặng Kim Sơn. |
Ban Kinh tế Trung ương đưa ra phương hướng sử dụng uyển chuyển hơn với đất trồng lúa. Theo đó, cho phép đất lúa kém hiệu quả chuyển sang các loại hình sử dụng khác như cây ăn quả, thủy sản. Đồng thời, cho phép các loại đất lâm nghiệp hiện nay không còn rừng có thể chuyển sang đất nông nghiệp để khai thác.
Tôi nghĩ, đây là một trong những yếu tố đầu tiên tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với đất đai tốt hơn và nông dân cũng có thể tích tụ, phát triển kinh tế trang trại thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, song môi trường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khá nhiều vướng mắc. Theo ông, chúng ta phải làm gì để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thêm động lực phát triển?
Đảng và Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp như Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hay Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Mới có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nếu tính cả doanh nghiệp chế biến và kinh doanh, con số này là khoảng 8%.
Trước đây, việc hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu là cung cấp thêm một phần vốn, trợ cấp ở một số khâu và miễn một số thuế ở khu vực nông nghiệp. Thực tế, môi trường đầu tư giữa các đô thị và khu vực nông nghiệp - nông thôn còn khoảng cách rất lớn. Các chính sách hiện hỗ trợ vẫn chưa tạo được cơ hội lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Các doanh nghiệp ở đô thị thuận lợi về hạ tầng, thuận lợi về điện, nguồn nhân lực, chưa kể có thể tiếp cận với ngân hàng và khoa học - công nghệ. Trong khi đó, ở nông thôn chưa có được những điều kiện như vậy. Vì thế, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, cần tăng đầu tư phát triển đường sá, hệ thống điện, đào tạo nghề...
Ông có thể nói rõ hơn các đề xuất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?
Tôi nghĩ, muốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trước tiên, phải xử lý vấn đề quỹ đất. Cần có chính sách để các diện tích đất đang sử dụng không hiệu quả có thể cho doanh nghiệp thuê, hoặc để nông dân liên doanh, liên kết sử dụng quỹ đất với doanh nghiệp, cốt sao doanh nghiệp có đất đầu tư kinh doanh và nông dân không mất sinh kế.
Thứ hai, như đã nói, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp về đầu tư, phát triển ở các vùng, nhất là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên…, cần quan tâm đầu tư đường sắt và đường cao tốc.
Thứ ba, cần tạo liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo các hợp tác xã. Cần cải thiện thể chế ở nông thôn để doanh nghiệp có thể liên kết được với nông dân.
Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trong những năm gần đây?
Có thể nói, trong 3 năm gần đây, đầu tư vào nông nghiệp đã tăng vọt. Người nông dân cũng bỏ công, bỏ sức đầu tư áp dụng công nghệ mới để thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.
Tuy nhiên, vốn đầu tư công và vốn đầu tư của toàn xã hội vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Tôi nghĩ, cần có thêm nguồn vốn đầu tư công và tập trung vào những khâu then chốt, tạo vốn mồi, tạo “chất xúc tác” để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành kinh tế quan trọng này.
Chẳng hạn, cần vốn đầu tư công vào khoa học - công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… Nếu làm được như vậy, nguồn vốn đầu tư công sẽ trở thành “chất kích thích” lan tỏa để hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư này.