Điểm nóng
Xử nghiêm hành vi rao bán quân trang
Minh Hương - 29/05/2016 09:59
Tình trạng rao bán quân trang của lực lượng vũ trang đang xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng vũ trang mà còn là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho đối tượng xấu giả danh lực lượng vũ trang thực hiện hành vi phạm tội.
.

Quân trang… cần là có

Chỉ cần vào mạng xã hội Facebook và gõ cụm từ “shop công an” trong mục tìm kiếm, người sử dụng có thể thấy hàng chục tài khoản rao bán mặt hàng này. Người có nhu cầu mua quân trang chỉ cần gửi thông tin, địa chỉ thì ngay trong ngày hoặc chậm nhất 1-3 ngày với các tỉnh xa, “quân trang” sẽ được gửi đến tận nơi. Cũng chính từ đây đã tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng sử dụng quân trang, quân phục của lực lượng vũ trang vào mục đích xấu. 

Trong vai người mua hàng, phóng viên tiếp cận một tài khoản trên mạng xã hội Facebook để mua “quân trang”. Khi đặt mua một chiếc “thắt lưng cấp tướng”, phóng viên chỉ cần để lại địa chỉ, số điện thoại, ngay cuối buổi chiều hôm đó, phóng viên đã tận mắt được “mục sở thị” chiếc thắt lưng đúng yêu cầu. Khi được hỏi về nguồn gốc của “chiếc thắt lưng cấp tướng” này, người bán hàng khẳng định: “Tất cả đều là chuẩn và không phải lo lắng về chất lượng sản phẩm”.

Được biết, trên trang mạng này rao bán đủ các loại quân trang như tất, giầy, mũ, còi, thắt lưng, quân phục, quân hàm các cấp sĩ quan… Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với loại giày cấp tá - cấp tướng có giá từ 550.000 - 700.000 đồng/đôi, thắt lưng cấp úy đến cấp tướng giá dao động từ 180.000 - 300.000 đồng/đôi.

Lợi dụng sơ hở để giả danh

Hiện tượng giả danh cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tuy không mới, song thường được tái diễn với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi và khó lường. Một số đối tượng lợi dụng, sử dụng quân trang, quân phục… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như giả danh cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp, vòi tiền, nhũng nhiễu người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng vũ trang.

Điển hình là trường hợp của Nguyễn Hữu Long (SN 1980, trú tại phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội). Ngày 6-5-2014, chồng chị Đỗ Thị Thủy (quê Bắc Ninh) là Trịnh Tuấn Anh cùng một số đối tượng bị Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - CATP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Muốn chồng cùng các đối tượng liên quan được tại ngoại và sau đó được hưởng mức án nhẹ, chị Thủy gặp chị Nguyễn Thị Kim Oanh (trú tại quận Đống Đa) nhờ tìm người giúp đỡ. 

Chị Oanh được Nguyễn Hữu Long tự giới thiệu là CSHS và thấy đối tượng này từng mặc bộ quân phục cảnh sát nên đã tin tưởng và dẫn chị Thủy đến nhờ Long “chạy án” cho chồng. Theo yêu cầu của đối tượng, chị Thủy đã đưa cho Long 230 triệu đồng. Để chị Thủy tin tưởng, sau khi nhận được tiền, Long tìm đến một văn phòng luật sư ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng nhờ viết 5 lá đơn đề nghị được tại ngoại.

Có được đơn trong tay, Long chuyển cho chị Thủy mang về địa phương xin xác nhận nhân thân đối với các can phạm. Khi nhận lại đơn đã có xác nhận của công an xã, Long giục chị Thủy phải nhanh chóng đưa thêm 450 triệu đồng nữa để lo việc. Khi nhận đủ số tiền, Long viết giấy cam kết chỉ trong 2 tuần, đối tượng sẽ hoàn thành công việc như giao hẹn. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Long đã nhanh chóng bị cơ quan công an phát giác… Nguyễn Hữu Long sau đó đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù giam với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo Luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, việc rao bán công khai quân trang, quân dụng trên mạng xã hội là một việc làm sai trái, ảnh hưởng đến tính trang nghiêm và uy tín của lực lượng vũ trang. Việc làm này cần phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Hiện nay, pháp luật đã ban hành nhiều quy định về các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán trái phép quân trang, quân dụng.

Đây được xem là các mặt hàng đặc thù, chỉ được sản xuất và cung cấp trong các cơ quan chuyên ngành như Công an, Quân đội... Theo quy định quân trang, quân dụng được cấp phát cho cán bộ, công chức sử dụng khi thi hành công vụ, người được cấp quân trang có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thu hồi. 



Quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang là những mặt hàng thuộc Phụ lục I, Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh được thực hiện theo Điều 10, Nghị định 185/2013/NĐ - CP ngày 15-11-2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa cấm kinh doanh.

Mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) có thể bị phạt từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định vừa nêu đối với hành vi sản xuất hàng cấm.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 - Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm với mức hình phạt cao nhất 15 năm tù giam.
Tin liên quan
Tin khác