Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1/1/2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm (ở giữa) và bà Nguyễn Thị An (áo xanh) trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư xung quanh lệnh cấm thuốc lá điện tử. Ảnh: Chí Cường |
Như vậy, bắt đầu từ năm sau, thuốc lá điện tử sẽ được liệt vào danh sách các mặt hàng cấm. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, việc xử phạt tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được căn cứ theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính Phủ cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thuốc lá.
Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét có còn khoảng trống pháp lý nào không, từ đó có đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chế tài cho phù hợp, đồng bộ và nhất quán.
Ngoài ra, cơ quan này cũng lên kế hoạch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, về tác hại của thuốc lá điện tử.
Việc cấm thuốc lá điện tử đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế, đơn vị, người dân đề xuất và mong chờ được thông qua nhiều năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chủ đề này, theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm thuốc lá thế hệ mới là một biện pháp hiệu quả để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Lấy ví dụ về quốc gia trong khu vực là Singapore, ông Lâm cho hay quốc gia này xử phạt hành vi vi phạm của người sử dụng, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điện tử ở mức rất cao.
Theo đó, mọi hành vi nhập khẩu, bán hoặc phân phối thuốc lá điện tử bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng và sẽ bị xử phạt rất nặng.
Những cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức vi phạm sẽ đối mặt với các hình thức xử phạt như sau: Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 10.000 SGD (khoảng 180 triệu đồng) cho mỗi lần vi phạm.
Ngoài mức phạt tiền, cá nhân vi phạm có thể bị xử tù lên tới 12 tháng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Nếu một công ty bị phát hiện bán thuốc lá điện tử, công ty này có thể bị phạt tới 50.000 SGD (khoảng 900 triệu đồng), và cá nhân chịu trách nhiệm trong công ty cũng có thể bị xử lý hình sự.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử tại Singapore cũng bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt nặng. Những người sử dụng thuốc lá điện tử, dù ở trong không gian công cộng hay ở nhà riêng, đều có thể bị phạt.
Người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt lên đến 2.000 SGD (khoảng 36 triệu đồng) cho mỗi lần vi phạm. Nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng, người sử dụng có thể bị phạt tù lên đến 6 tháng.
Quảng cáo thuốc lá điện tử tại Singapore cũng bị cấm hoàn toàn, kể cả trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp quảng cáo thuốc lá điện tử sẽ đối mặt với các hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Mức phạt đối với hành vi quảng cáo thuốc lá điện tử có thể lên đến 10.000 SGD hoặc 12 tháng tù giam. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ giấy phép hoạt động hoặc bị tước quyền kinh doanh.
Bên cạnh các hình thức xử phạt, Singapore còn tập trung vào công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử.
Chính phủ quốc gia này thường xuyên triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe từ thuốc lá điện tử, đặc biệt là đối với giới trẻ và các bậc phụ huynh.
Đồng quan điểm cần xử phạt nghiêm các vi phạm về thuốc lá thế hệ mới, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge, cho rằng việc áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với thuốc lá thế hệ mới không chỉ giúp giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm này, mà còn phản ánh cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chính sách cấm thuốc lá điện tử và xử phạt nghiêm khắc theo bà An, có thể là một biện pháp mạnh mẽ và thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những quy định nghiêm ngặt này không chỉ giúp giảm thiểu sự phổ biến của thuốc lá điện tử mà còn góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Để đảm bảo hiệu quả của lệnh cấm, theo bà An, chúng ta cần triển khai một số hành động quan trọng. Đầu tiên, chúng ta cần phải tăng cường giám sát và kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ để ngừng buôn bán các sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, các hình phạt nghiêm khắc đối với việc vi phạm lệnh cấm cũng cần được áp dụng triệt để.
Bên cạnh đó, theo bà An, công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng là rất quan trọng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cần được triển khai rộng rãi, đặc biệt là đối với giới trẻ. Chính phủ và các tổ chức xã hội nên hợp tác để truyền tải thông điệp này một cách rõ ràng và mạnh mẽ qua các phương tiện truyền thông, trường học và cộng đồng.
Về chính sách cấm thuốc lá thế hệ mới, hiện có khoảng 40 quốc gia, bao gồm 5 nước trong ASEAN là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia, cấm sử dụng thuốc lá điện tử.