Ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc ITPC cho biết, trước khi tổ chức Diễn đàn Xuất khẩu 2014, ITPC đã có gần 20 cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội, hội doanh nghiệp để ghi nhận tình hình xuất khẩu và những phản ảnh, đề xuất của doanh nghiệp. Qua đó, ITPC nhận thấy, để chuẩn bị cho việc hội nhập, đón chờ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt với những khó khăn mới từ hội nhập, các rào cản thương mại và cạnh tranh |
Trong khi đó, Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK) đã tổ chức khảo sát, xúc tiến thương mại ở một số thị trường khu vực ASEAN như: Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và tiếp tục xúc tiến thị trường châu Âu như Pháp, Đức…
Bên cạnh những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách để phát triển sản xuất những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, ngoài việc ban hành một số chính sách thuế, Chính phủ cần có chính sách tháo gỡ khó khăn ở khâu nguyên liệu đầu vào, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ bù đắp được chi phí trong sản xuất.
“Đón chờ những hiệp định thương mại, doanh nghiệp vừa hy vọng có thêm cơ hội thâm nhập nhiều thị trường, vừa lo ngày càng có nhiều rào cản kỹ thuật áp đặt từ các nhà nhập khẩu quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin nhiều hơn, rõ ràng và kịp thời hơn về những hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội”, ông Lâm cho biết thêm.
Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc, các vấn đề liên quan đến hội nhập đang được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, bước sang năm 2015, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN có hiệu lực sẽ là một “cú hích chiến lược” giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tầm vóc và năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và toàn cầu.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, nhờ tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chuẩn bị ký kết, ngành giày dép Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn các quốc gia lân cận. Do đó, đang có sự chuyển hướng đơn hàng từ các khách hàng lớn, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Cũng theo bà Liên, khách hàng từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đang chuyển hướng đơn hàng sang Việt Nam, tìm những nhà máy có thể đáp ứng được đơn hàng của họ. Mục đích là để khi các hiệp định thương mại kể trên được ký chính thức, thì họ có thể bổ sung đơn hàng, tăng số lượng một cách nhanh chóng. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp Việt Nam làm sao chuẩn bị nguồn lực để “đón” được xu hướng chuyển dịch thị trường này.
Có lẽ sớm nhận ra điều này, nên tại buổi giới thiệu Diễn đàn CEO Forum 2014 mới đây, đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA - HCM) cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất của Diễn đàn là các chuyên gia hàng đầu sẽ thảo luận, chia sẻ tới cộng đồng doanh nhân về hội nhập toàn cầu, hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN, những cơ hội và thách thức khi tham gia TPP… Sắp tới, YBA - HCM sẽ tiến hành cuộc khảo sát doanh nghiệp hội viên về mức độ hội nhập, từ đó có kiến nghị thích hợp với cơ quan nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp FDI kéo đầu tàu xuất khẩu () Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó đóng góp lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). |
Xuất khẩu gỗ: Ngưỡng 10 tỷ USD nằm trong tầm tay () Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ sớm đạt ngưỡng 10 tỷ USD/năm. |
Thanh Vũ