Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong năm 2022 tăng dần qua các quý: quý I đạt 1,609 tỷ USD, quý II đạt 2,802 tỷ USD, quý III ước đạt 3,759 tỷ USD, tăng lần lượt 43,1%, 114,7%, 174,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 8,17 tỷ USD, tăng tới 118,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ sẽ cán mốc 12 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với năm 2021 (năm 2021 đạt 5,262 tỷ USD.
Đáng chú ý, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt được ở tất cả các loại dịch vụ. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ vận tải đạt quy mô lớn nhất (3,7 tỷ USD), tăng 164,1%, so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu dịch vụ vận tải vượt xa mức 2,11 tỷ của năm 2021 và 1,154 tỷ USD của năm 2020, thậm chí có thể vượt cả mức trước đại dịch.
Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt quy mô khá với 1,941 tỷ USD, tăng rất cao (1.714%) so với cùng kỳ năm 2021 - giai đoạn du lịch bị “đóng băng” vì Covid-19. Dự báo, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch sẽ vượt xa mức 149 triệu USD của năm 2021, có thể đạt ngang mức 3,232 tỷ USD của năm 2020.
Mức tăng trưởng cao của xuất khẩu dịch vụ so với cùng kỳ năm 2021 đạt được do nhiều yếu tố. Đó là, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao (xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%). Xuất khẩu dịch vụ tăng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP của nhóm ngành dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay (tăng 10,57%) so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu dịch vụ còn nhiều hạn chế, thách thức. Dễ thấy nhất là quy mô xuất khẩu dịch vụ còn rất nhỏ (chỉ chiếm 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); chỉ bằng khoảng 6,7% GDP của nhóm ngành dịch vụ - tỷ lệ rất thấp so với tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ/GDP (khoảng 96,4%)
Bên cạnh đó, xuất khẩu của một số nhóm dịch vụ có quy mô và tỷ trọng còn nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Xuất khẩu dịch vụ bảo hiểm chỉ chiếm 0,7%. Dịch vụ chính phủ, dịch vụ tài chính khá hơn, nhưng cũng chỉ chiếm trên 1,6%. Dịch vụ bưu chính viễn thông chiếm 2%. Các dịch vụ khác (gồm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, lao động việc làm…) chiếm 25,1%.
Đặc biệt, nhập siêu dịch vụ khá lớn, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 138%.
Dịch vụ vận tải nhập siêu lớn nhất, lên tới 5,96 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2022, chiếm 52,9% tổng mức nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên tới 161,1%. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động vận tải hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam còn yếu.
Nhập siêu lớn thứ hai là dịch vụ du lịch, với 2,759 tỷ USD, chiếm 24,5% tổng mức nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 142,1%. Nguyên nhân do dịch vụ du lịch nhập khẩu có quy mô lớn hơn xuất khẩu. Trạng thái này xuất hiện từ năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Đứng ở vị trí thứ ba xét về mức nhập siêu dịch vụ là dịch vụ khác với 1,970 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 96,1%. Khả năng nhập siêu dịch vụ khác năm 2022 sẽ cao nhất từ trước tới nay. Cảnh báo này có liên quan đến nhu cầu xuất ngoại của người dân trong nước và việc cung ứng ngoại tệ cho các nhu cầu này.
Các khoản dịch vụ còn lại trong 9 tháng qua cũng nằm trong trạng thái nhập siêu, tuy mức nhập siêu thấp hơn, nhưng có khoản có tỷ lệ nhập siêu không nhỏ. Ví dụ, dịch vụ bưu chính viễn thông: 10 triệu USD; dịch vụ chính phủ: 18 triệu USD; dịch vụ tài chính: 85 triệu USD; dịch vụ bảo hiểm: 470 triệu USD. Đây là những con số cần cảnh báo đối với những ngành dịch vụ này.