Xuất khẩu chưa đạt mục tiêu
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD, ghi nhận 23 nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 đã vượt qua khó khăn và có được mức tăng 8,1% (không kể ngoại tệ thu được do khai thác và xuất khẩu dầu thô ở nước ngoài, tương đương với 1% tăng trưởng xuất khẩu), tuy nhiên so với mục tiêu tăng trưởng 10% thì vẫn chưa đạt được.
Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị tổng kết Bộ Công thương sáng 31/12/2015. |
Nhóm các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử, tính riêng 2 mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp 12,7% kim ngạch xuất khẩu.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, trong năm qua thị trường thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu của thị trường thế giới giảm lại dẫn đến sự suy giảm của một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trước đây vẫn được coi là có thế mạnh xuất khẩu như nông, lâm, thủy sản, dầu thô, than đá… nhưng thời gian qua tiếp tục có sự sụt giảm rất sâu về giá cũng như lượng xuất khẩu đã dẫn đến những tác động tiêu cực đến năng lực xuất khẩu của Việt Nam.
Nhập siêu 3,17 tỷ USD
Nếu xuất khẩu tăng 8,1% thì mức nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất cho năm 2015 đã tăng tới 12% (tương đương mức tăng 17,8 tỷ USD) với kim ngạch 165,6 tỷ USD).
Theo Bộ Công thương, nhập khẩu hàng hóa trong năm qua đã phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất.
Măc dù nhập siêu ở mức 3,17 tỷ USD, nhưng phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá, mức nhập siêu 3,17 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch xuất khẩu đã cho thấy nhập siêu đã được kiểm soát tốt so với mức đề ra, khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, dù toàn ngành đã có nỗ lực cao độ để về đích với kết quả tăng trưởng hơn 8%, nhưng còn không ít hạn chế trong vấn đề xuất nhập khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào lợi thế giá nhân công cao.
Nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng cao hơn so với nhâp khẩu và xuất khẩu của khối DN trong nước, điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Thêm đó, do phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Mục tiêu cán mốc xuất khẩu 178 tỷ USD năm 2016
Tại Hội nghị tổng kết năm 2015, Bộ Công thương đã đề ra nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016 với các mục tiêu tăng trưởng hơn năm 2015.
Ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016, với kim ngạch 178 tỷ USD. |
Theo đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2016 tăng 6,7%, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10%; xuất khẩu năm 2016 đạt 178 tỷ USD, tăng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khấu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,5-12%.